Thừa phát lại tổ chức thi hành án

Chia sẻ Zalo

Thừa phát lại có được tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự không?

Trần Hoàng Dũng (phường Bồ Đề, Long Biên)
Trả lời
Pháp luật cho phép Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền thi hành án tương tự như Chi cục thi hành án dân sự. Tức là, Văn phòng Thừa phát lại được quyền trực tiếp tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định sau (trừ các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án): Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng; Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng; Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng (Khoản 1 Điều 34 Nghị định 61/2009/NĐ-CP).
Ngoài ra, pháp luật hiện hành còn mở rộng phạm vi tổ chức thi hành án của Văn phòng Thừa phát lại (khoản 12 Điều 2 Nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP). Văn phòng thừa phát lại có thể tổ chức thi hành các vụ việc quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại nếu đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện trong trường hợp Thừa phát lại thi hành án theo thẩm quyền liên quan đến tài sản phát sinh ngoài phạm vi tỉnh, TP trực thuộc T.Ư nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.
Thừa phát lại Bùi Trọng Hào Văn phòng Thừa phát lại quận Hà Đông
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần