Hà Nội: Thúc đẩy chuyển dịch kinh tế nông thôn

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 16/1, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình năm 2018; phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.

Toàn cảnh hội nghị
Hiệu quả từ nguồn đầu tư lớn
Trong năm 2018, các huyện, thị xã tiếp tục bám sát chỉ đạo của T.Ư và TP, chủ động triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Nhờ đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp năm 2018 đạt 3,6%, đánh dấu bước phát triển mới trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Toàn TP đã chuyển đổi được 34.715,2ha sau dồn điền đổi thửa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, đã xây dựng và duy trì được 127 mô hình ứng dụng công nghệ cao và 130 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình đã góp phần gia tăng giá trị ngành nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người nông dân nhờ đó cũng tăng nhanh, hiện đạt 46,5 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,8%...
Sau hơn một nửa chặng đường thực hiện giai đoạn 2 Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, TP đã có 323/386 xã (chiếm 83,7% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn. Ngoài 4 huyện đã được công nhận đạt chuẩn, các huyện: Gia Lâm, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thạch Thất cũng đang hoàn tất những thủ tục cuối để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.
Những kết quả xây dựng nông thôn mới đạt được trong năm 2018 bên cạnh sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các địa phương, còn là sự quan tâm, đầu tư rất lớn của TP.
Theo đó, từ năm 2016 đến hết năm 2018, ngân sách TP đã đầu tư trên 28.507 tỷ đồng để thực hiện Chương trình 02-CTr/TU. Cùng với ngân sách Nhà nước, các địa phương cũng tích cực tuyên truyền, vận động các DN và Nhân dân tự nguyện đóng góp trên 2.855 tỷ đồng. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Thành ủy Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, 12 quận đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí trên 421 tỷ đồng.
Trọng tâm vẫn là nâng cao đời sống nông dân
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, việc thực hiện Chương trình 02-CTr/TU trên địa bàn TP vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn khiêm tốn; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn tiềm ẩn nhiều bất cập. Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, thiếu ổn định…
Để hoàn thành mục tiêu Chương trình 02 năm 2019 và những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị các sở, ban ngành tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hình thành các chuỗi liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển mạnh các hình thức hợp tác.
Bên cạnh đa dạng hoá giải pháp huy động nguồn lực, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu lưu ý các địa phương ưu tiên đầu tư cho các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch duy trì, nâng chất các tiêu chí nông thôn mới ở các huyện và xã đã đạt chuẩn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng nhấn mạnh, nâng cao đời sống cho người nông dân là mục tiêu xuyên suốt của Chương trình 02-CTr/TU.
Do đó, các địa phương cần tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác khuyến nông, khuyến công, đào tạo nghề. Phát triển và mở rộng các khu, cụm công nghiệp và làng nghề để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy chuyển dịch lao động nông thôn. Đồng thời, phát triển hệ thống dịch vụ nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.