Thúc đẩy công nghệ chăn nuôi bò thịt

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi chưa hoàn toàn được khống chế, chăn nuôi bò thịt được xem là hướng đi cho các nông hộ. Điều này còn có ý nghĩa quan trọng trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi, hướng tới bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.

Giá trị gia tăng hàng nghìn tỷ đồng
Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hà Nội đã tập trung phát triển 19 xã trọng điểm chăn nuôi bò thịt tại các huyện: Ba Vì, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Mê Linh… Đến nay, tổng đàn bò thịt toàn TP khoảng 134.500 con. Sản lượng thịt bò những năm qua đạt trung bình 10.000 tấn/năm. Riêng năm 2019, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng là 10.500 tấn.
Tăng trưởng đàn bò những năm qua có được một phần quan trọng là bởi Hà Nội đã tích cực triển khai ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Đến nay, tỷ lệ bò lai Zebu chiếm trên 90% (chủ yếu là các giống bò lai Sind, Brahman, Droughtmaster…). Một số giống bò chất lượng cao như: BBB, Angus, Wagyu… cũng được các DN nhập về nhằm cải thiện chất lượng con giống trong nước.
 Hàng loạt giống bò thịt chất lượng cao đang được Hà Nội đưa vào sản xuất. Ảnh: Trọng Tùng
Từ năm 2018 đến nay, Hà Nội cũng đã sản xuất được tinh bò chất lượng cao (BBB, Brahman) cung cấp cho thị trường. Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò cái sinh sản đạt gần 80%. Hàng năm, cung cấp cho thị trường khoảng 10.000 bê sữa và 80.000 bê thịt các loại.
Đáng chú ý, TP đã triển khai dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu, lai tạo giống bò thịt BBB trên nền bò cái lai Sind tạo thành đàn bò F1 hướng thịt trên địa bàn Hà Nội”. Đến nay, dự án đã lai tạo và sản xuất được trên 130.000 bê lai F1 BBB, mang lại giá trị tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng cho chăn nuôi bò thịt.
Thay đổi tư duy sản xuất
Dù có bước phát triển khá ấn tượng, tuy nhiên, sản lượng thịt bò mà ngành nông nghiệp Hà Nội sản xuất trong những năm qua mới đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu thịt bò cho khoảng 10 triệu dân cư trú trên địa bàn Thủ đô. Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được khống chế, đàn lợn chưa được hồi phục, dự kiến nhu cầu thịt bò trong năm 2020 sẽ vẫn ở mức cao.
Khó khăn hiện nay trong chăn nuôi bò thịt là tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến. Những chuỗi liên kết giữa DN – nông hộ trong phát triển bò thịt mới chỉ xuất hiện ở một số xã thuộc huyện Ba Vì, Mê Linh, Gia Lâm… Việc sử dụng thức ăn hỗn hợp, có hàm lượng sinh dưỡng cao chưa phổ biến. Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bò thịt vẫn còn là nỗi lo…
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, mục tiêu mà Hà Nội hướng tới là phát triển đàn bò thịt quy mô tập trung tại các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Mê Linh, Mỹ Đức. Tăng số lượng đàn bò thịt khoảng 3%/năm tại những vùng chăn nuôi trọng điểm.
Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội sẽ tiếp tục tiếp nhận, bổ sung một số giống bò mới chất lượng cao như: Senepol, Droughtmaster… từ các nước có nền chăn nuôi tiên tiến. Giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, khuyến khích áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học gắn với ứng dụng cơ giới hóa trong chuồng trại, vệ sinh môi trường…
Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ tạo điều kiện để các cơ sở chăn nuôi bò thịt đầu tư sản xuất và sử dụng thức ăn phối trộn TMA, TMF. Phát triển diện tích trồng các loại cỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao cho bò như: VA06, Mulato, Stylo, Ruzi…
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ TP thực hiện các dự án phát triển, ứng dụng tiến bộ mới về giống vào chăn nuôi bò thịt. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, DN được hưởng những cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm thúc đẩy đầu tư, phát triển đàn bò thịt.