Thúc đẩy đô thị hóa để thu hẹp khoảng cách phát triển

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, có tín hiệu cho thấy hệ thống đô thị và công nghiệp hóa của Việt Nam đã đạt đến một “điểm uốn” mà hiệu quả đạt được đã bắt đầu giảm dần.

Thúc đẩy đô thị hóa để thu hẹp khoảng cách phát triển - Ảnh 1
Toàn cảnh Hội thảo.
Ngày 13/9, Ngân hàng Thế giới và Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức hội thảo tham vấn với chủ đề “Thúc đẩy đô thị hóa để thu hẹp khoảng cách phát triển: Vai trò của đô thị hóa trong thập kỷ tới”, với sự tham gia thảo luận của các chuyên gia kinh tế đầu ngành.
Ông Zhiyu Jerry Chen - chuyên gia cao cấp về đô thị, đại diện nhóm nghiên cứu của Ngân hàng thế giới đã trình bày những kết quả ban đầu của nghiên cứu về quá trình đô thị hóa của Việt Nam, những thách thức phía trước và gợi ý chính sách về con đường đô thị hóa mới của Việt Nam.
Theo đó, nghiên cứu chỉ ra rằng, có tín hiệu rõ ràng hệ thống đô thị và công nghiệp hóa của Việt Nam đã đạt đến một “điểm uốn” mà hiệu quả đạt được đã bắt đầu giảm dần, rủi ro mới của Việt Nam có thể bị tắc trong hệ thống đô thị không hiệu quả và năng suất thấp.
Thách thức về tình trạng kém hiệu quả của hệ thống đô thị không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng bền vững trong tương lai mà còn tác động đến các vấn đề phát triển bền vững toàn diện, công bằng nếu không được giải quyết đúng cách.
Điều này đòi hỏi thay đổi cấp bách về định hướng chính sách để hướng đô thị hóa trong tương lai của Việt Nam vào một lộ trình hiệu quả, toàn diện và có khả năng chống chịu hơn. Để thực hiện được điều này thì hành động chính sách táo bạo là cần thiết để giải quyết các vấn đề về đất đai và quy hoạch, phân bổ tài khóa và dịch chuyển lao động để nâng cao tính kinh tế tích tụ và liên kết vùng.
Ngân hàng thế giới đưa ra khuyến nghị, những quy định về quy hoạch và sử dụng đất đai cần chặt chẽ hơn để tạo thuận lợi cho liên kết giữa công nghiệp hóa, nhân khẩu học và mở rộng vật lý của đô thị.
Cùng với đó, củng cố các khu công nghiệp hiện tại và thận trọng trong phê duyệt các khu công nghiệp mới, có xem xét đến vị trí, tiềm năng kinh tế và mức độ dịch vụ cơ sở hạ tầng. Tăng cường tính liên kết của hệ thống quy hoạch, đặc biệt là sự phối hợp trong quy hoạch ở cấp vùng và đô thị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần