Thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hỗ trợ thúc đẩy hiệu quả xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; Tăng cường sự tham gia và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của cộng đồng doanh nghiệp trên Cổng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế...

Đó là những nội dung chính của hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho doanh nghiệp” sáng 19/5, tại Hà Nội do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Australia (thông qua chương trình đối tác chiến lược Australia - Ngân hàng thế giới (ABP2) tổ chức.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Anh
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cùng Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đồng chủ trì hội nghị.
Hỗ trợ doanh nghiệp
Hội nghị nhằm hỗ trợ thúc đẩy hiệu quả xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường sự tham gia và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của cộng đồng doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời, cũng là dịp ghi nhận ý kiến thực tiễn từ cộng đồng doanh nghiệp để cải thiện quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến và vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia hiệu quả hơn.
Giới thiệu tổng quát về Cổng dịch vụ công quốc gia, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ Ngô Hải  Phan cho biết, được khai trương từ tháng 12/2019, đến nay, hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia đã có những kết quả tích cực, thể hiện được mục tiêu Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp, cụ thể đã có hơn 142.000 tài khoản đăng ký, hơn 37 triệu lượt truy cập, hơn 7,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 71.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp nhận hỗ trợ hơn 11.000 cuộc gọi; tiếp nhận hơn 5.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; đã tích hợp được 405 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia trong đó có 232 dịch vụ công dành cho doanh nghiệp.
Một số nhóm TTHC có tần suất thực hiện lớn đã được tích hợp lên cổng và phục vụ hiệu quả cho doanh nghiệp như: Nhóm thủ tục về đăng kí/thông báo khuyến mãi của doanh nghiệp - nhóm thủ tục xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) - nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông - một số thủ tục mảng bảo hiểm, thuế… và nhiều thủ tục cụ thể khác. Trường hợp doanh nghiệp cần thực hiện 1 thủ tục cùng lúc ở nhiều địa phương (ví dụ như thủ tục thông báo khuyến mãi), thay vì phải làm với từng nơi, doanh nghiệp có thể gửi một lần cho nhiều địa phương thông qua hệ thống này.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Hoàng Anh
Nhiều tiện ích
Từ ngày 12/5, Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, bao gồm: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; kê khai gia hạn nộp thuế doanh nghiệp; kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Việc cung cấp các thủ tục liên quan trên Cổng dịch vụ công quốc gia hỗ trợ cho các đối tượng ảnh hưởng do dịch Covid-19 thể hiện sự triển khai kịp thời, quyết tâm của Văn phòng Chính phủ cùng các cơ quan, bộ ngành cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Qua tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia, các doanh nghiệp cho biết có thể thực hiện thủ tục tại tất cả các bộ, ngành, địa phương và thực hiện thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính liên quan.
Cùng việc thúc đẩy thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, ưu điểm rất lớn của việc nộp hồ sơ hoặc thực hiện các TTHC thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia là tạo thêm kênh giám sát việc thực hiện, bảo đảm tính minh bạch. Quá trình giải quyết được thông tin tới các doanh nghiệp, đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết.
Tại Hội nghị, đại diện VNPT, BHXH Việt Nam chia sẻ trải nghiệm của người dùng trên Cổng đối với một số TTHC có tần suất thực hiện lớn như: Thông báo khuyến mãi, nộp BHXH. Đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), LĐTB&XH giới thiệu các dịch vụ công “đặc biệt” trên Cổng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong và sau đại dịch Covid-19 như: Kê khai gia hạn nộp thuế và tiền đất, Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn  để trả lương ngừng việc đối với người lao động. Đại diện FPT cũng đưa ra sáng kiến để tiếp tục phát triển Cổng dịch vụ công quốc gia và nâng cao hơn tỉ lệ người dùng các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến...
Đặc biệt, phần thảo luận xoay quanh vấn đề kiến nghị từ doanh nghiệp về các nhóm TTHC/dịch vụ công cần ưu tiên tích hợp, vận hành trên Cổng và các góp ý, cải thiện nội dung, kỹ thuật hiện hành; kiến nghị về các nhóm vấn đề trọng tâm cần cải cách, cắt giảm, tăng cường áp dụng trực tuyến để tạo thuận lợi cho sản xuât, kinh doanh của doanh nghiệp; giải pháp, sáng kiến thu hút cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, sử dụng Cổng và tăng cường thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, DN và Cổng Dịch vụ công quốc gia là “kênh” hữu hiệu nhất để “điện tử hóa” TTHC. Việc thực hiện các TTHC thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia còn tạo thêm kênh giám sát, bảo đảm tính minh bạch của các bộ, ngành, địa phương.
Người dân, DN hoàn toàn có thể theo dõi được quá trình giải quyết TTHC, đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng có thể đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết TTHC.