Thúc đẩy phát triển phân bón hữu cơ

Nguyễn Nga - Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 9/3, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị Phát triển phân bón hữu cơ đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững và an toàn.

Toàn cảnh hội nghị.
Theo đó, hiện nay, nhu cầu sử dụng phân bón ở nước ta ước tính khoảng 11 triệu tấn các loại. Theo số liệu thống kê của cục Bảo vệ thực vật, tính đến tháng 12/2017, số lượng sản phẩm phân bón vô cơ đang được sản xuất, nhập khẩu và sử dụng trong nước nhiều gấp 19 lần so với phân bón hữu cơ (713 sản phẩm phân bón hữu cơ và 13.423 sản phẩm phân bón vô cơ).
Việc sử dụng phân bón hóa học trong một thời gian dài gây ô nhiễm, thoái hóa đất và ảnh hưởng đến giá trị nông sản. Hiện nay, cả nước có 180 DN sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 24,5% trên tổng số 735 DN sản xuất phân bón đã được Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cấp phép với quy mô công suất lớn nhỏ khác nhau (từ 20 - 500.000 tấn/năm).

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, phát triển phân bón hữu cơ đảm bảo hiệu quả, bền vững góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường. Do đó, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phân bón nói chung và phân bón hữu cơ nói riêng để tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho công tác quản lý phân bón.

Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích ưu tiên sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguyên liệu sẵn có trong nước, tạo. Xây dựng quy hoạch quốc gia về sản xuất phân bón trên cơ sở cân đối giữa phân bón vô vơ và hữu cơ, nâng dần tỷ trọng sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Đẩy mạnh tiến độ xây dựng mới, rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về phân bón làm tiền đề cho việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng phân bón. Nâng cao năng lực của hệ thống quản lý chất lượng phân bón hữu cơ. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ về phân bón hữu cơ. Phối hợp với các lực lượng chức năng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm của các nước phát triển và các tổ chức quốc tế để chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả các công nghệ mới, tiên tiến…