Thúc đẩy tích tụ đất đai

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc họp báo thường kỳ quý IV/2018 diễn ra ngày 28/12, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) Đào Trung Chính cho biết, tình trạng đất đai manh mún, phân tán, quy mô kinh tế hộ nhỏ bé đang là trở ngại cho sự phát triển sản xuất lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.

Hiện, có nhiều hình thức tích tụ, tập trung đất đai và mô hình sử dụng đất nông nghiệp khác nhau nhưng mỗi một hình thức, mô hình lại mang lại những kết quả tích cực và tiêu cực khác nhau, có trường hợp triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đào Trung Chính cho biết, có ý kiến đề nghị xem xét mở rộng hoặc bỏ hạn mức nhận chuyển quyền (gồm nhận chuyển nhượng và nhận tặng cho) đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị trong giai đoạn hiện nay, khi ngành công nghiệp, dịch vụ chưa giải quyết được lao động nông nghiệp dôi dư thì chưa nên bỏ hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân mà chỉ mở rộng đối với đất trồng cây hàng năm (hiện hành quy định từ 20 - 30ha/hộ) và nên giữ nguyên quy định hiện hành về hạn mức nhận chuyển nhượng đối với đất trồng cây lâu năm (100 - 300ha/hộ) và đất rừng sản xuất (150 - 300ha/hộ).

Về việc tiếp cận đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp canh tác nông nghiệp và của DN, ông Chính cho biết, còn có ý kiến khác nhau liên quan đến quyền tiếp cận đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp canh tác nông nghiệp và của DN. Có ý kiến đề nghị bỏ quy định về hạn chế quyền tiếp cận đất nông nghiệp trồng lúa hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp canh tác nông nghiệp và của DN nhằm thu hút những đối tượng có tiềm lực về vốn, khoa học công nghệ và kinh nghiệm quản lý vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị đất nông nghiệp chỉ nên giao cho người trực canh sử dụng; hộ gia đình, cá nhân, DN có tiềm lực thì chỉ khuyến khích tham gia vào một số khâu dịch vụ của quá trình sản xuất để nhằm hạn chế tối đa các rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh DN.

“Thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phải dựa trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người nông dân và DN, đặc biệt là lợi ích của người nông dân. Tích tụ, tập trung đất đai phải đi đôi với phát triển công nghiệp, dịch vụ, phát triển ngành nghề ở nông thôn nói riêng, tạo công ăn việc làm để từng bước giảm lao động trong nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và cơ giới hóa nhằm tăng năng suất trong nông nghiệp”- ông Chính nhấn mạnh.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, năm 2019, Bộ TN&MT sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai để tạo điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn và nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Trong đó, tiếp tục rà soát, đánh giá những bất cập, tồn tại về chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai còn làm cản trở việc tích tụ, tập trung đất đai như quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; chế độ quản lý sử dụng đất trồng lúa... để thể chế hóa cụ thể ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành T.Ư qua quá trình sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư Khóa XI trong Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Đất đai năm 2013 cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

“Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của UBND tỉnh/TP, thực hiện công bố công khai quỹ đất nông nghiệp, nhu cầu chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất; hình thành quỹ đất nhằm chủ động kêu gọi đầu tư, cùng với DN tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp" - ông Chính cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần