Thúc đẩy văn hóa đọc từ Luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ ở góc độ quản lý, Luật Thư viện ra đời phải góp phần tạo hành lang pháp lý để thư viện phát triển, thúc đẩy văn hóa đọc, giúp người dân nâng cao hưởng thụ về văn hóa. Đó là ý kiến được nhiều người đưa ra trong các cuộc tham vấn về Dự án Luật Thư viện vừa liên tục được Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội tổ chức.

Thư viện Hà Nội. Ảnh minh họa
Thư viện - một thiết chế quan trọng
Dự án Luật Thư viện đã được Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp vừa qua, sau đó nhiều cuộc tham vấn ý kiến chuyên gia, bộ, ngành quanh các quy định cụ thể cũng được tổ chức. Trong đó, nhiều ý kiến đồng tình khẳng định, thư viện là một thiết chế cần thiết gắn liền với sự tiến bộ của xã hội. Việc ra đời của Pháp lệnh Thư viện vào năm 2000 đã tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống thư viện công lập ở nước ta phát triển vượt bậc, đến nay đã có hơn 17.000 thư viện lớn nhỏ, chưa kể các phòng đọc, tủ sách khác. Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển hiện nay, việc xây dựng Luật Thư viện để thay cho Pháp lệnh là việc hết sức cần thiết.
5 năm trước, ngày 21/4 được Chính phủ quy định là ngày Sách Việt Nam. Việc đưa vào Dự Luật quy định “ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” để chắc chắn thời gian dài tới, ngày này phải được duy trì, nhằm tạo một xã hội có thói quen, văn hóa đọc sách.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Hoàng Thị Hoa

Như Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình nhận định, một trong những phương thức thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân là qua hệ thống thư viện. Thư viện đóng vai trò phát triển văn hóa đọc, liên quan tới tư duy và văn hóa của cả dân tộc. Đặc biệt trong giai đoạn khoa học công nghệ đang phát triển, nếu không chú ý văn hóa đọc, sẽ ảnh hưởng tới cả thế hệ tương lai.

Thực tiễn cho thấy, dù hệ thống thư viện lớn nhưng số lượng thư viện nghèo về đầu sách vẫn khá nhiều. Cùng với đó, rất nhiều địa phương xây dựng thư viện rất đẹp, ở vị trí rất trang trọng nhưng đích đến của thư viện là người đọc lại chưa được quan tâm, khiến tư liệu, tài liệu chưa phát huy tác dụng. Do đó, Dự Luật không nên chỉ hướng tập trung vào quản lý, lấy thư viện làm trung tâm mà cần lấy người đọc là đối tượng phục vụ, là trung tâm cho hoạt động thư viện là ý kiến được nhiều người đưa ra.

Trong quá trình góp ý hoàn thiện Dự Luật, nhiều ý kiến cũng lưu ý thuật ngữ về thư viện số, thư viện trọng điểm, thư viện trung tâm... cũng cần được làm rõ và thống nhất. Theo Giám đốc Thư viện Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh Hoàng Tuyết Anh, xu hướng thư viện số, thậm chí thư viện ảo, thư viện thông minh có thể xuất hiện ngay sau khi ban hành luật. Do đó, kỳ vọng Dự Luật sẽ giải phóng cho công tác thư viện, để thư viện thực sự đóng góp vào sự phát triển của văn hóa, của xã hội.

Xếp hạng thư viện

Xếp hạng thư viện cũng là một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm trong Dự Luật này, đây là cơ sở để đầu tư phát triển thư viện. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, số thư viện có tư cách pháp nhân gồm: Thư viện Quốc gia, Thư viện tỉnh, TP, Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nhưng đối với các loại hình thư viện công lập không có tư cách pháp nhân, lấy cơ sở nào để Nhà nước đầu tư? Nhiều ý kiến đồng tình, nếu xếp hạng mà không được đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, các thư viện không có tư cách pháp nhân cũng không mặn mà tham gia. Mặt khác, nguồn nhân lực để tiến hành khảo sát đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng không nhiều nên việc xếp hạng cho hàng nghìn thư viện trong cả nước sẽ rất khó khăn, dễ nảy sinh cơ chế xin - cho.

Trước việc rất nhiều nước đã ban hành Luật Thư viện với tinh thần chung là khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hóa, giáo dục, phát triển con người, một số ý kiến cũng đề nghị ban soạn thảo tiếp tục phân tích đánh giá để chỉ ra nguyên nhân vì sao thiết chế thư viện vẫn kém còn phát triển trong thời gian qua, từ đó đưa ra chính sách phát triển trong thời gian tới cho phù hợp. Đồng thời dự báo khả năng thu hút các nguồn đầu tư để phát triển thư viện tư nhân, phục vụ nhu cầu phát triển văn hóa, thông tin của xã hội của các vùng, địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, cần xác định rõ cơ chế tài chính, mức độ tài chính, tự chủ tài chính, đào tạo nhân lực của các thư viện công lập khi mới ra đời để tránh tình trạng thiếu kinh phí hoạt động, lạc hậu về nguồn tài liệu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần