Thực hành lễ Vu lan trong quá khứ và hiện tại

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tổ chức đại lễ Vu lan thời nào cũng phức tạp. Thời nào, nơi đâu cũng "người ba đấng, của ba loài" cả. Người ta nhận thức, hành động là theo kỳ vọng của mình và có tính mục đích. Kỳ vọng và mục đích mà là Tham, Sân, Si thì đó là tai họa, nghiệp chướng của giá trị văn hóa.

Còn hướng đến Phật tâm, Phật hạnh thì luôn luôn tốt đẹp. Rất tiếc là trong thời buổi hiện nay, một bộ phận không nhỏ, từ nghi lễ đến tu hành đều vướng vào lầm lỗi.
Ở phương Đông, trên đất Trung Hoa, theo truyền thuyết, thời nhà Lương đã mở hội Vu lan bồn để báo ân đức cha mẹ tổ tiên, sau đó nhà Đường thì phát triển mạnh mẽ ra chốn dân gian. Ở Việt Nam, chắc thời Bắc thuộc cũng đã hành lễ nhưng sách vở ít ghi lại. Thời Trần chắc chắn đã có lễ vì trong bài tựa sách Khóa hư lục, Trần Thái Tông đã mở đầu thiết tha bằng nỗi thương cha nhớ mẹ mà tìm đến đạo khóa hư.
Chắc chắn Vu lan bồn kinh và kinh luật về hiếu hạnh đã phổ biến. Kinh chắc là đi kèm với lễ. Bởi ảnh hưởng đậm đà của Nho giáo mà trong pháp hội Vu lan, người ta trọng chữ hiếu với cha mẹ và tổ khảo bảy đời. Điều đó là đúng trọng tâm nhà Phật nhưng chưa đủ, mà có phần hẹp hòi.
Người ta nhận thức, hành động thường là theo kỳ vọng của mình và có tính mục đích. Kỳ vọng và mục đích mà là Tham, Sân, Si thì đó là tai họa, nghiệp chướng của giá trị văn hóa. Còn hướng đến Phật tâm, Phật hạnh thì luôn luôn tốt đẹp. Trong thời buổi hiện nay, một bộ phận không nhỏ, từ nghi lễ đến tu hành đều vướng vào lầm lỗi.
Chiếm biển nước người, rút dầu ruột đất cho hết, cho cạn kiệt để thỏa tính "hiếu đại", ganh đua tăng trưởng, phô phang tiện nghi hơn người thì lễ lạt mà làm gì. Còn những người hướng đến hòa bình xanh, đến bảo tồn đa dạng sinh thái, văn hóa thì trở nên yếu ớt. Nói chung là không nên theo nhau sắm lễ cho nhiều, đốt mã cho lắm mà nên lấy cái thành tâm, cái giá trị mà hành động thì hơn.
Chữ Hiếu nhà Phật, như tôi đã nói, sâu sắc và quảng đại. Muốn hiểu nó, ta đem so với chữ Hiếu Nho gia, đặc sản Trung Quốc. Cũng là triết lý nhân sinh thôi nhưng nhà Nho quan niệm "Tam bất hiếu" như sau: A ý khúc tòng, hãm thân bất nghĩa (Tùy ý bố mẹ mà dấn vào điều bất nghĩa - đó là thứ một); Gia bần thân lão, bất vi lộc sĩ (nhà nghèo cha mẹ già mà không làm quan lấy lộc về - bất hiếu thứ hai); Bất thú vô tử, tuyệt tiên tổ tự (không vợ, không con, nên đứt mạch cúng tế tổ tiên - bất hiếu thứ ba).
Như vậy, Nho giáo, vốn là đạo dạy cho đàn ông làm quan, nên chữ Hiếu thật bó buộc. Đó là chữ hiếu hẹp hòi. Còn chữ hiếu Phật giáo từ Hiếu thuận mở rộng đến Hiếu sinh cho muôn vật trong vũ trụ này. Các vua sáng đời Trần, vốn dùng Nho để quản trị quốc gia, khi uyên thâm Phật học, họ ngấm Hiếu đạo sâu sắc nên hướng về tu hành. Đó là bước thoát Nho, cũng là thoát Trung đáng suy ngẫm.
Không phải là lễ lạt đắt hay rẻ mà tiền đó từ đâu ra, tặng quà Vu lan với mục đích gì và với kỳ vọng gì. Tôi từng đọc được thông tin: Ông Chu Vĩnh Khang, một tham quan bị xử bên Trung Hoa đại lục, giàu địch quốc mà nghe nói đưa mẹ đi nuôi, để mẹ tự tử trong nhà thì là Hiếu cái nỗi gì vậy? Hiếu tâm là Phật tâm, Hiếu hạnh là Phật hạnh vậy. Đó chẳng là bài học nhãn tiền sao?! Đạo Phật bao dung, tùy hoàn cảnh mà hành lễ, lấy cái tâm hướng nguồn, hướng thiện làm chính.
Trước hết, ta tặng cha mẹ bằng sự sám hối của lòng mình. Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày. Cái sự đời đó thì cần sám hối. Ta tặng cha mẹ bằng sự cố gắng và tử tế của lối sống của chúng ta với tất cả mọi người, cả thế gian và thiên nhiên. Phật giáo đang có sức lan tỏa trên thế giới.
Tôi thấy những phong trào hòa bình, những phong trào bảo vệ trái đất, bảo vệ tự nhiên, bảo vệ đa dạng văn hóa trên thế giới, họ có một tầm tri thức, tâm nhân văn rất cao và đầy tính Phật. Con người là con, là tinh hoa của vạn vật, có thế, Phật giáo mới mở rộng đạo Hiếu đến thế. Ta nên gạn đục khơi trong mà tu dưỡng thêm mọi mặt. Đó là tốt nhất.
Để thực hành hiếu hạnh, chúng ta phải thực hành trong đời sống. Còn về đại lễ tưởng nhớ thì một kỳ lễ Vu lan là đủ rồi. Vì lễ là ngày kỷ niệm, ngày nhắc nhớ. Một năm có 365 ngày mà lắm lễ quá thì lấy đâu ngày làm ăn, phấn đấu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần