Thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em: Vẫn còn lỏng lẻo

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vẫn còn sự buông lỏng hoặc chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước đối với trẻ em tại một vài địa bàn; công tác tuyên truyền chưa thực hiện hiệu quả... Đó là những nhận định ban đầu được các Đoàn giám sát của Quốc hội “về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” chỉ ra qua thực tế giám sát.

 Một buổi ngoại khóa tuyên truyền chống xâm hại trẻ em tại quận Ba Đình.
Sự phối hợp chưa chặt chẽ
Thời gian qua, các đoàn giám sát đã làm việc, khảo sát thực tế tại 17 tỉnh, TP và như ghi nhận cho thấy, so với giai đoạn 2011 - 2015, chính quyền các địa phương đã quan tâm hơn đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong đó có phòng chống xâm hại trẻ em. Việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em đã được UBND các cấp quan tâm thực hiện. Thực tế, đã có nhiều cách làm hay, mô hình tốt về phòng, chống xâm hại trẻ em. Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, qua giám sát cho thấy một số địa phương như tỉnh Bắc Giang đã ban hành một chỉ thị riêng về phòng, chống xâm hại trẻ em; tại Hải Phòng đã tổ chức diễn đàn trực tiếp nghe trẻ em nói... Đồng thời qua giám sát cũng giúp phát hiện ra nhiều vấn đề mới, đặc thù của từng địa phương liên quan đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Tuy nhiên, một số hạn chế cũng được chỉ ra như hầu hết các địa phương mới tập trung tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân gia đình và các văn bản liên quan mà chưa chú trọng đến tuyên truyền về kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; về giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ em. Rất ít địa phương ban hành văn bản chuyên biệt về phòng, chống xâm hại trẻ em mà chủ yếu lồng ghép với chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung. Từ đó, dẫn đến sự buông lỏng hoặc chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước đối với trẻ em tại một số địa bàn.
Một thực tế đã được chỉ ra, có trường hợp, trẻ em bị xâm hại một thời gian dài mà chính quyền không biết, các cơ quan có trách nhiệm không biết. Nhiều vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra ngay tại địa phương, nhưng cơ quan có trách nhiệm chậm lên tiếng, đề nghị, xử lý. Việc hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại trong một số trường hợp chưa kịp thời… Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh cho rằng, cần quan tâm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc chỉ đạo điều hòa, phối hợp với các cơ quan có liên quan khác để thực hiện công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Xây dựng môi trường lành mạnh để bảo vệ trẻ em
Việc xây dựng môi trường lành mạnh để bảo vệ trẻ em cũng là vấn đề được nhấn mạnh. Trong đó, gia đình và nhà trường là môi trường đầu tiên, quyết định sự an toàn của trẻ em. Bởi tỷ lệ người thân thích, ruột thịt, người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ em lại chính là người xâm hại các em đang chiếm tỷ lệ lớn. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Ninh Thị Hồng, để bảo vệ trẻ em, cần quan tâm môi trường ở nhà trường. Khi tuyển dụng thầy, cô giáo hay người lao động làm việc trong nhà trường chưa quan tâm đến đạo đức và chính những đối tượng này cũng xâm hại trẻ em.
Có trường hợp bảo vệ trường học đi tù do xâm hại trẻ em song sang tỉnh khác vẫn được làm bảo vệ trường học. Chính quyền địa phương cũng chưa quan tâm đúng mức đến việc xử lý những trường hợp trẻ em gái bị xâm hại dẫn đến mang thai. Trẻ con phải nuôi trẻ con rất xót xa, nên cần quan tâm xử lý. Các ý kiến cũng cho rằng, cần quan tâm phát huy vai trò của các tổ chức xã hội. Chăm sóc và bảo vệ trẻ em phần lớn dựa vào cộng đồng và chỉ có sức mạnh cộng đồng mới giải quyết được vấn đề này.
Để bàn sâu về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong thời gian tới, dự kiến một số hội thảo, tạo đàm chuyên đề về vấn đề này sẽ được Đoàn giám sát tổ chức như phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình, cơ sở giáo dục, trên môi trường mạng…