Thực hiện Chương trình 08-CTr/TU: Hà Nội có 2/15 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra

Linh Nguyễn - Trần Long. Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại Hội nghị Tổng kết 3 Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVI tổ chức chiều nay (30/9), thay mặt Ban Chỉ đạo Chương trình 08-Ctr/TU báo cáo kết quả thực hiện Chương trình, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho hay: Chương trình đề ra 5 nhóm nhiệm vụ với 15 chỉ tiêu cụ thể, đến nay, cơ bản các chỉ tiêu đã hoàn thành, trong đó 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch (chỉ tiêu về tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 và tỷ lệ đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC).

Theo bà Vũ Thu Hà, các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền TP cải thiện qua các năm và có sự chuyển biến rõ rệt so với đầu nhiệm kỳ: Chỉ số Cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2019 tiếp tục năm thứ 3 liên tục xếp thứ 2/63 tỉnh, TP; Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính tiếp tục duy trì trên 80%. Chương trình đã đạt được kết quả toàn diện, nhiều nội dung thực sự nổi bật.
Trong đó về cải cách thể chế, trong nhiệm kỳ, TP và các cơ quan, đơn vị thuộc TP đã thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, đóng góp quan trọng đối với tiến trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Từ năm 2016 đến nay, TP đã ban hành 190 văn bản (43 Nghị quyết, 147 Quyết định), tham gia góp ý kiến đối với hơn 1.000 văn bản của T.Ư và các kế hoạch, chương trình liên quan đến phát triển KT-XH. Từ đầu nhiệm kỳ, TP đã ban hành “Kế hoạch rà soát, hệ thống hóa VBQPPL của TP giai đoạn 2016-2020”, trên cơ sở đó, hằng năm, việc kiểm tra, rà soát văn bản QPPL của TP đã kịp thời phát hiện những văn bản có sai sót, cần sửa đổi, bổ sung; đồng thời lập danh mục văn bản ban hành còn hiệu lực đối với 399 văn bản, công bố 106 văn bản QPPL hết hiệu lực. TP cũng hoàn thành xây dựng và trình Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Ngày 27/11/2019, Quốc hội ban hành Nghị quyết 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội.

 Các đại biểu dự Hội nghị
Đáng chú ý, về cải cách TTHC, TP triển khai thực hiện cải cách TTHC trên mọi lĩnh vực theo quy định của Chính phủ, các bộ, ngành; chỉ đạo các ngành tập trung thực hiện rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Sau rà soát, tỷ lệ đơn giản hóa đạt 25,4% (vượt chỉ tiêu đề ra tại Chương trình 0,4%). Về kiểm soát TTHC, hằng năm, TP đều ban hành kế hoạch kiểm soát TTHC. Việc tham mưu xây dựng ban hành các quyết định của UBND TP về quy định TTHC được kiểm soát chặt chẽ từ khâu dự thảo. Công tác tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính được duy trì thực hiện. Toàn bộ TTHC được công bố đều được đăng nhập lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và công khai trên Cổng DVC TP, Cổng thông tin điện tử và tại Bộ phận “một cửa” của các cơ quan, đơn vị. Hiện toàn bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 3 cấp đều được xây dựng quy trình nội bộ và xây dựng quy trình điện tử trên hệ thống phần mềm dùng chung của TP. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được đẩy mạnh triển khai với nhiều cách làm mới, tạo chuyển biến trong giải quyết TTHC cho người dân, DN. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn trung bình hàng năm toàn TP đạt 98,83%. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ qua phần mềm một cửa đạt 100%. Thực hiện Nghị định 61/2018/NĐ-CP, các cơ quan, đơn vị đã kiện toàn bộ phận “một cửa”. TP cũng đẩy mạnh việc cung ứng DVCTT mức độ 3, 4 và triển khai tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Bên cạnh đó, về cải cách tổ chức bộ máy, trong nhiệm kỳ, TP đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của T.Ư ương về sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) công lập thuộc TP; tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ chủ chốt TP các nội dung Nghị quyết, kế hoạch của T.Ư, các văn bản chỉ đạo của TP nhằm tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động của các cấp; thành lập Ban Chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy, biên chế TP do Bí thư Thành ủy trực tiếp làm Trưởng Ban. Đồng thời, TP thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW gắn với thực hiện Nghị quyết số -NQ/TW, được T.Ư và dư luận đánh giá cao, nổi bật là: Việc tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị được tinh gọn; chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính, ĐVSN được chuẩn hóa; hoàn thành phê duyệt đề án vị trí việc làm (VTVL) của các cơ quan hành chính, ĐVSN và ban hành kịp thời các quy chế, quy trình thủ tục giải quyết công việc. Sau kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, 100% cơ quan, đơn vị đã triển khai các nội quy, quy chế, quy trình giải quyết công việc, đảm bảo công việc vận hành hiệu quả, không gây nhiều xáo trộn và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tỷ lệ tinh giản biên chế công chức toàn TP (tính đến 31/8/2020) đạt 8,7% (ước đạt 10,6% vào 31/12/2020), viên chức đạt 5,05% (theo đúng số giao của Bộ Nội vụ hàng năm). TP đẩy mạnh chuyển đổi ĐVSN công lập sang cơ chế tự chủ theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP, đã chuyển đổi 125 đơn vị sang tự chủ chi thường xuyên, giảm 13.665 biên chế hưởng lương ngân sách; trong giai đoạn 2015-2020, đặt kế hoạch chuyển 296 ĐVSN sang tự chủ.

 Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội trình bày báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 08-Ctr/TU 
Về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), trên cơ sở danh mục VTVL của công chức đã được Bộ Nội vụ phê duyệt, TP đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng và hoàn thành đề án VTVL; chỉ đạo điều chỉnh Đề án VTVL đối với cơ quan, đơn vị sắp xếp tổ chức bộ máy. Đây là cơ sở quan trọng cho công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm công chức. Cùng đó, công tác tuyển dụng thực hiện theo quy định của Chính phủ, đảm bảo khách quan, công bằng, đúng pháp luật và áp dụng CNTT trong thi tuyển; đội ngũ CCVC được tuyển dụng có trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Giai đoạn 2015-2020, TP đã tuyển dụng được 1.639 công chức, 16.261 viên chức, 1.250 công chức cấp xã. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được TP và các cấp, ngành quan tâm, chú trọng, trong đó ngay từ đầu nhiệm kỳ TP đã ban hành Kế hoạch đào tạo CBCC giai đoạn 2016-2020 và Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC TP giai đoạn 2016-2020”. Đáng chú ý trong năm 2018, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với CBCCVC trong hệ thống chính trị TP và triển khai đồng bộ trong cả hệ thống chính trị của TP bắt đầu từ ngày 1/7/2018. Tỷ lệ tinh giản biên chế công chức toàn TP đến nay đạt 8,7%, ước đạt 10,6% vào cuối năm 2020...
Ngoài ra, công tác tài chính - ngân sách giai đoạn 2016-2020 được đảm bảo, đủ các nguồn lực cho phát triển KT-XH Thủ đô. Trong nhiệm kỳ, TP đã tập trung rà soát các dự án đầu tư công; triển khai thực hiện mua sắm theo phương thức tập trung; tổ chức thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung đảm bảo quản lý ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Cơ cấu thu NSNN của TP theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng từ thu nội địa; giảm tỷ trọng thu từ đất. Quản lý chi ngân sách thực hiện theo quy định của Luật NSNN đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả gắn với lộ trình thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy hành chính theo Nghị quyết 39-NQ/TW và Nghị định 16/2015/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, một lĩnh vực đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác cải cách hành chính giai đoạn 5 năm qua của TP là hiện đại hóa hành chính. Từ năm 2016 đến nay, TP đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT. Hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các cơ quan, đơn vị đáp ứng được việc triển khai ứng dụng; 100% CBCC được trang bị máy tính phục vụ công việc; TP hoàn thành kết nối mạng WAN và trang bị thiết bị đến 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện UBND cấp xã; hoàn thành 4/6 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và triển khai 11 cơ sở dữ liệu chuyên ngành; 100% sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản; 96% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ văn bản mật). TP ứng dụng chữ ký số trong Hệ thống quản lý văn bản điều hành. 100% CBCC tại các cơ quan của TP được cấp, khai thác, sử dụng hộp thư điện tử công vụ. Đối với ứng dụng CNTT phục vụ người dân, DN, TP đã triển khai, đưa vào vận hành Cổng DVC kết nối Hệ thống Một cửa điện tử dùng chung 3 cấp và cung cấp 1.671 DVCTT mức độ 3, 4; đồng thời kết nối với Cổng DVC quốc gia, cung cấp 223 DVCTT trên Cổng.    
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần