Thực hiện Chương trình 08-Ctr/TU: Hiệu quả thiết thực từ hoạt động kiểm tra, giám sát

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một mục tiêu chính đặt ra trong Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội chính là một bước nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).

Vì vậy, qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình, công tác kiểm tra, giám sát được cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở đặc biệt quan tâm với nhiều đổi mới, đã mang lại hiệu quả rõ nét trong siết chặt kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Các cấp, ngành đều coi trọng
Từ năm 2016 đến nay, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ tại các cơ quan, đơn vị của TP không ngừng được đổi mới nội dung, hình thức. Cụ thể, theo Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình 08-Ctr/TU, HĐND TP đã tổ chức nhiều cuộc giám sát việc thực hiện cải cách hành chính (CCHC) tại các cơ quan, đơn vị. Thành ủy cũng đã tổ chức nhiều đoàn giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện CCHC, nâng cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của CBCCVC...
 Đoàn kiểm tra công vụ TP kiểm tra bộ phận một cửa UBND xã Chương Dương (huyện Thường Tín) trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý.
Đáng chú ý, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, hằng năm UBND TP đều ban hành kế hoạch kiểm tra riêng về CCHC, với tổng cộng 4 năm qua đã kiểm tra 17 sở, 10 quận, huyện, 25 đơn vị trực thuộc sở, UBND quận, huyện. Đồng thời, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đều chủ động kiểm tra cơ quan thuộc cấp mình và cấp dưới trực thuộc về CCHC.
Các đoàn kiểm tra liên ngành cũng được tiến hành để đánh giá tình hình ứng dụng, phát triển CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, tập trung vào việc triển khai DVC trực tuyến mức độ 3, 4. Qua đó đã góp phần tạo chuyển biến tích cực, nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ Nhân dân của CBCCVC và được dư luận đánh giá cao...
Hiệu quả từ kiểm tra công vụ đột xuất
Đặc biệt, Hà Nội liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra công vụ TP, tiến hành kiểm tra đột xuất về thực hiện quy chế làm việc; tiếp nhận và giải quyết TTHC theo một cửa, một cửa liên thông; thực hiện quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của CBCCVC...
Theo thống kê từ 2016 - 2019, Đoàn đã tiến hành 169 cuộc kiểm tra, trong đó 138 cuộc đột xuất, 31 cuộc theo chỉ đạo. Riêng đầu năm nay ngay sau nghỉ Tết Canh Tý, Đoàn đã kiểm tra đột xuất hàng chục đơn vị, phòng, ban, bộ phận “một cửa” các đơn vị của TP.
Qua các cuộc kiểm tra, Đoàn đã kiến nghị thủ trưởng các cơ quan kịp thời khắc phục ngay những thiếu sót; xác định rõ trách nhiệm cá nhân và xử lý theo thẩm quyền những CBCCVC, người lao động có hành vi vi phạm.
Thực tế cho thấy, chính nhờ siết chặt kỷ cương hành chính hơn đã góp phần giảm số CBCC vi phạm qua các năm được phát hiện, phải đề xuất kỷ luật từ các cuộc kiểm tra công vụ của TP. Cụ thể, năm 2017, Đoàn phát hiện và đề xuất kỷ luật 34 trường hợp vi phạm; năm 2018 chỉ phát hiện 5 trường hợp thì đề xuất kỷ luật 2 trường hợp, rút kinh nghiệm với 3 trường hợp… “4 năm thực hiện Chương trình 08-CTr/TU, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của TP có nhiều đổi mới, sâu sát, quyết liệt, mang lại hiệu quả rõ rệt. Có được kết quả này, một phần quan trọng nhờ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là hiệu quả từ hoạt động kiểm tra công vụ từ TP đến tận cấp xã”- Trưởng Phòng CCHC (Sở Nội vụ) Phạm Tuấn Anh đánh giá.
Tuy nhiên, về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của Hà Nội còn thấp, theo ông Phạm Tuấn Anh, phân tích cho thấy chỉ số này gắn chủ yếu với hoạt động của chính quyền cơ sở, vì thành phần có tới 75% nội dung liên quan trực tiếp tới chính quyền cấp xã, 20% liên quan chính quyền cấp huyện, chỉ 5% liên quan trách nhiệm sở, ngành. Vì vậy, Sở Nội vụ đã tham mưu TP tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, cùng với đôn đốc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.