Thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia: Doanh nghiệp vẫn phải “chạy toát mồ hôi”

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ chế một cửa quốc gia được coi là một trong những giải pháp cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tạo thuận lợi cho DN trong việc giảm chi phí và rút ngắn thời gian thông quan.

Tuy nhiên, việc kết nối trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia vẫn bị DN xuất nhập khẩu (XNK) than là nửa vời khi để được thông quan trên cổng này, DN vẫn phải chạy khắp nơi nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành hay thanh toán các khoản phí.

Quy định “chơi chữ” làm khó DN

Đó là một trong những khó khăn được ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra khi nói về các vướng mắc khi thực hiện các thủ tục thông quan của DN XNK tại Hội thảo tham vấn Dự thảo nghị định cơ chế một cửa về kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa XNK tổ chức mới đây tại Hà Nội. Cụ thể, ông Nam cho biết, có “tình trạng chơi chữ” trong các quy định, hàng hóa trong thực tiễn chỉ cần sai một chữ so với quy định trong văn bản thì ngay lập tức sẽ bị ách tắc, không thông quan. Từ đó, ông mong muốn sự là minh bạch, rõ ràng để giúp DN tránh gặp phiền hà.
 Nhân viên hải quan Sân bay quốc tế Nội Bài làm thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh: Công Hùng
Cũng nói về sự “linh hoạt” trong các quy định đang làm khó DN, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC) cho biết, có trường hợp, DN đã khai mã hàng hóa rồi nhưng với những sản phẩm tương tự, chỉ khác về màu sắc, độ dày mỏng, bản chất hàng hóa không đổi vẫn bị bắt khai lại từ đầu. “Việc xác định mã hàng hóa có thể sẽ tùy nghi và từ mặt hàng này áp sang mã hàng của mặt hàng khác”- bà Thủy nói.

"Việc xây dựng một nghị định mới về Cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK là quan trọng và kịp thời trong bối cảnh Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO mà Việt Nam là thành viên đã có hiệu lực từ tháng 2/2017. Bên cạnh đó, Nghị quyết 19-2018/NQ-CP đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đó, dự thảo nghị định về Cơ chế một cửa quốc gia sẽ giúp Việt Nam tiếp tục tạo thuận lợi thương mại hơn nữa cho các DN thông qua việc đơn giản thủ tục hải quan và thủ tục XNK." - Giám đốc Phòng Phát triển kinh tế và quản trị Nhà nước (USAID Việt Nam) Michael Trueblood


"Cơ quan hải quan cần có quy định thống nhất về thực hiện chữ ký số, do hiện nay có nhiều nhà cung cấp dịch vụ này nên chưa có sự tương thích. Vấn đề được nhiều DN quan tâm nữa đó là những khó khăn trong việc áp mã hàng hóa (HS). Do danh mục hàng hóa và mô tả hàng hóa, hồ sơ của các bộ, ngành (cơ quan quản lý) không cụ thể, chưa đồng nhất nên trong nhiều trường hợp DN bị xử phạt hành chính do khai sai hồ sơ. " - Đại diện Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) Phạm Thị Ngọc

Cụ thể hơn, đại diện Công ty Chuyển phát nhanh UPS Việt Nam cho hay, việc điện tử hóa có nhiều khâu là tích cực nhưng khâu chờ kiểm định hàng thực tế thì vẫn mất nhiều thời gian. Theo vị này, sau khi mang hàng tới cơ quan chức năng kiểm định, DN phải đợi xem việc phân công kiểm tra của cơ quan kia ra sao, rồi tới khâu kiểm tra thực hiện như thế nào, kết quả có hay chưa. Thời gian đợi chờ này khiến DN mất nhiều công hỏi xem hàng hóa đang ở giai đoạn nào. Vì thế, DN mong muốn rút ngắn thời gian kiểm định hàng hóa và thông báo rõ ràng từng khâu kiểm tra để DN nắm được.

Hỗn loạn hết điện tử đến giấy

Vấn đề được nhiều DN phản ánh là tình huống điện tử… nửa vời trong thực hiện các thủ tục thông quan. DN XNK sau khi có kết quả kiểm tra chuyên ngành vẫn phải in ra hoặc gọi điện cho phía hải quan để thông báo. Có trường hợp, các DN phải đến tận nơi để đóng các loại phí rồi phải “chạy đi thông báo”. Ngoài ra, mặc dù đã có cổng thông tin một cửa quốc gia nhưng nhiều khoản phí chưa được kết nối vào cơ sở dữ liệu. Ví dụ cụ thể được bà Phạm Thị Ngọc Thủy đưa ra là cảng Hải Phòng, DN phải nộp phí cửa khẩu cảng biển và nhiều khoản phí khác tại đây. Những khoản phí này theo bà không hề liên kết với hệ thống một cửa. Bởi thế, DN phải nộp thủ công rồi mới tiếp tục thực hiện thủ tục trên cổng thông tin một cửa quốc gia. “Các nước từ điện tử tới điện tử, Việt Nam thì hỗn loạn, từ điện tử tới giấy, rồi từ giấy lại tới điện tử”- bà Thủy băn khoăn.

Về phía cơ quan hải quan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình thừa nhận, một số quy định về kiểm tra chuyên ngành vẫn chồng chéo, xung đột, phải thực hiện nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành, gây phiền hà. Việc chuẩn hóa quản lý danh mục hàng hóa XNK phải kiểm tra chuyên ngành theo ông được chuẩn hóa chậm, nhiều mặt hàng thậm chí còn chưa được gắn mã. Việc này khiến ứng dụng CNTT để giải quyết các thủ tục theo ông là chưa làm được. Thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục lắng nghe và có các kiến nghị, đề xuất nhằm tạo điều kiện tốt hơn nữa cho DN trong thực hiện các thủ tục thông quan.

"Cơ chế một cửa quốc gia chính thức triển khai từ tháng 11/2014, đến nay đã kết nối với 11 bộ, ngành/14 bộ, ngành và đã có 47 TTHC được triển khai. Tuy nhiên, số TTHC được triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia chưa nhiều (47/245 tổng số TTHC). Quá trình triển khai đã bộc lộ những tồn tại, chồng chéo, bất cập do quy định trong văn bản pháp luật được xây dựng theo phương thức thủ công truyền thống, thiếu sự phối hợp, liên kết giữa các TTHC liên quan đến nhau dẫn đến còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ không cần thiết. Bên cạnh đó, mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, hài hòa quy trình TTHC còn thấp..." - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần