Thực hiện dân chủ về kinh tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để phát triển kinh tế nhiều thành phần, đặc biệt là khu vực tư nhân lớn mạnh. Công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam, có thể coi là sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh từ gần một trăm năm về trước về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Công tư đều lợi - Chủ thợ đều lợi - Công nông giúp nhau - Lưu thông trong ngoài” và "Bốn chính sách ấy là mấu chốt để phát triển kinh tế của nước ta". Chỉ bằng những câu ngắn gọn, Hồ Chí Minh đã cho chúng ta thấy những nguyên tắc, mục tiêu cần hướng tới của nền kinh  tế nhiều thành phần. Đó là các thành phần kinh tế phải tồn tại trong mối quan hệ bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, tạo nên sự phát triển cân đối của nền kinh tế quốc dân.

Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành 3 nghị quyết về kinh tế, trong đó có nghị quyết về “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN". Nghị quyết số 12 tại Hội nghị Trung ương 5 cũng xác định: Kinh tế Nhà nước (KTNN) giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân (KTTN) là một động lực quan trọng của nền kinh tế. KTNN, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đây là điều kiện thuận lợi để thành phần KTTN phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội.

 

Đến năm 2019 cả nước có 758.610 DN đang hoạt động, trong đó có trên 670.000 DN tư nhân, chưa kể khoảng 5 triệu hộ kinh doanh. Đóng góp của khu vực KTTN trong cơ cấu GDP luôn ở mức trên 43% GDP (so với khu vực KTNN 28,9% GDP và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 18% GDP). Khối tư nhân cũng đang thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Nghĩa là cứ 100 lao động, thì 85 người làm việc trong khối tư nhân.

Sách Trắng Việt Nam qua 2 lần công bố cũng cho thấy một bức tranh DN với đầy đủ các gam màu.

Trong đó, Tổng Cục Thống kê đặc biệt ấn tượng với gam màu sáng từ khối KTTN. Trên cả nước, rất nhiều dự án lớn và khó, mang dấu ấn các DN tư nhân đã được hình thành nhiều năm qua. Nhiều DN sản xuất của tư nhân cũng đạt kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD, đóng góp lớn vào tăng trưởng, thu ngân sách và giải quyết việc làm. Một số DN khác thì vươn ra tầm quốc tế, có vị trí cao trong chuỗi giá trị toàn cầu… Đó là các tên tuổi như Vingroup (hoạt động đa ngành); Sungroup, Novaland (bất động sản), Tập đoàn TH (sản xuất sữa); Tập đoàn Hòa Phát (công nghiệp thép); Vietjet Air (vận tải hàng không), Thaco (lĩnh vực công nghiệp), Masan (tiêu dùng, bán lẻ)…

Tạo thể chế công bằng cho mọi thành phần kinh tế

Bên cạnh những kết quả đạt được, khối tư nhân vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục để có thể lớn mạnh hơn nữa, vươn tầm thế giới, có thể tham gia và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Như nhận xét của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, DN tư nhân Việt Nam hiện nay đa phần có quy mô nhỏ và vừa, năng suất lao động còn thấp, ứng dụng KHCN còn hạn chế, thiếu liên doanh liên kết, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sức cạnh tranh…

Bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH cho rằng, DN mong muốn sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn nữa về các vấn đề như chính sách huy động vốn, tín dụng, đất đai, hay chủ trương cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính… Đây là những nội dung sát sườn trong mọi hoạt động đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, DN mong muốn những chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ đề ra sẽ được triển khai thông suốt, đồng bộ, tích cực từ trên xuống dưới, tránh việc xuống đến địa phương, cơ sở lại bị ách tắc, cản trở.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, môi trường đầu tư kinh doanh hiện tại vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho DN ra đời và phát triển. Với quan điểm DN là động lực phát triển đất nước, tại hội nghị Chính phủ với DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thông điệp rõ ràng: Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, tạo sân chơi bình đẳng cho DN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng và Nhà nước ta sẽ tiếp tục thúc đẩy công cuộc cải cách thể chế, vươn tới những chuẩn mực hàng đầu trong khu vực và thế giới, để tạo môi trường và bệ đỡ cho sự phát triển nhanh và bền vững của DN. Chính phủ sẽ đồng hành và hậu thuẫn cho sự nghiệp sản xuất, kinh doanh của người dân và DN.

Thủ tướng khẳng định: “Trong thành công của DN có đóng góp của chính quyền và trong thất bại của DN có trách nhiệm của chính quyền. Thành công của DN, doanh nhân là thành công của Chính phủ, của nhân dân và của đất nước”. Lần đầu tiên, Thủ tướng đồng ý đã thành lập một ban nghiên cứu phát triển KTTN, mà thành viên đa phần là các doanh nhân nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực. Ban này có nhiệm vụ giúp Chính phủ nghiên cứu một số thể chế, chính sách để phát triển khối KTTN.

Là người sáng kiến đề xuất chính thức hóa loại hình hộ kinh doanh trong Luật DN, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đặc biệt ấn tượng với 10 “từ khóa” mà người đứng đầu Chính phủ nhắn nhủ với cộng đồng doanh nhân tư nhân là: Bình đẳng, được bảo vệ, khích lệ, trao cơ hội. Theo ông Lộc, việc đưa các hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật DN dưới hình thức DN “một chủ” theo thông lệ của thế giới là rất cần thiết để bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của khu vực này. Thúc đẩy DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, DN khởi nghiệp.

Mong muốn của cộng đồng DN cải cách thể chế năm 2020 sẽ là: Một là xóa bỏ chồng chéo; hai là cắt giảm TTHC và điều kiện kinh doanh; ba là thực hành chính quyền điện tử; bốn là chuyển giao dịch vụ công; và năm là phân cấp phân quyền cho địa phương và cơ sở. Ông Lộc hy vọng 5 ngôi sao cải cách thể chế bay lên sẽ là động lực tăng trưởng trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Chung sức, nỗ lực thực hiện hoá khát vọng về một Việt Nam hùng cường

Thực tiễn của quá trình đổi mới và hội nhập đã làm sáng tỏ tư tưởng của Bác Hồ về DN, doanh nhân: Sự nghiệp dân giàu, nước mạnh đòi hỏi phải xây dựng lực lượng xung kích hùng hậu là đội ngũ DN, doanh nhân có ý chí khao khát vươn lên, làm giàu cho mình và cho đất nước. Hai từ khóa quan trọng nhất cho sự tăng trưởng và phát triển năm 2020 và nhiều năm tới, theo Chủ tịch VCCI là: “gỡ bỏ” và “kết nối”. Gỡ bỏ rào cản để khơi thông các nguồn lực, kết nối để lan tỏa các giá trị.

Trong đó, kinh tế nhà nước phải đi đầu trong việc kết hợp với quốc phòng, an ninh để bảo đảm hài hòa theo quan điểm phát triển và ổn định của Đảng trong mọi hoàn cảnh, điều kiện. Đây là vai trò chủ đạo, tạo điều kiện kích thích các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.

Năm 2020 cũng là năm triển khai thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ chính trị về cải thiện chất lượng của dòng chảy FDI, bảo đảm sự cộng sinh cùng có lợi giữa khu vực FDI với các DN nội địa và nền kinh tế Việt Nam, là chủ thể cho sự nghiệp phát triển sáng tạo, bao trùm, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Chúng ta đang bước vào năm 2020 với tâm thế mới, hành trang mới, quyết tâm mới và niềm tin mới. Nhưng cũng không thể không quan ngại khi những bất ổn và xu hướng giảm tốc trong nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp tục. Tình hình thế giới và khu vực có những biến đổi rất sâu sắc. Cuộc cách mạng KH&CN, đặc biệt CNTT và công nghệ sinh học tiếp tục có những bước nhảy vọt…

Trong bài: Con đường phía trước (ngày 20/1/1960), Người viết: “Đời sống Nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi. Hồ Chí Minh đã nhận rõ vai trò của khoa học và kỹ thuật đối với sự nghiệp xây dựng CNXH là hết sức quan trọng. Người cho rằng: Khoa học, kỹ thuật không những là lực lượng sản xuất trực tiếp, mà còn là động lực của tiến bộ xã hội.

Tiếp thu tư tưởng của Người, trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt là từ Đại hội VI, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó rất chú trọng lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Lấy đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng.

Phát biểu tại buổi lễ tôn vinh DN, doanh nhân nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ các DN không bằng lòng với hoàn cảnh đang có mà cần xông xáo tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại. Nắm bắt thời cơ, vận dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0, đồng lòng chung sức, sáng tạo cách làm mới, phù hợp điều kiện nước ta.

Thủ tướng chia sẻ: “30 năm qua, chúng ta đã cùng nhau làm nên câu chuyện vượt nghèo vĩ đại, truyền cảm hứng mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế. 30 năm tới, chúng ta sẽ cùng nhau viết tiếp câu chuyện một Việt Nam giàu mạnh, ngẩng cao đầu đi khắp năm châu”.

Thế giới sau đại dịch Covid-19 đang được định hình, các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được sắp xếp lại, các dòng chảy thương mại - đầu tư quốc tế sẽ đảo chiều, Việt Nam lại một lần nữa đứng trước cơ hội có thể tiến nhanh hơn. Tư tưởng Hồ Chí Minh, về phát triển kinh tế hiện vẫn có ý nghĩa thời sự và ý nghĩa phương pháp luận, cần được quán triệt và vận dụng sáng tạo để định hướng cho sự nghiệp tiếp tục đổi mới nền kinh tế đất nước.