Thực hiện đồng bộ ba đột phá để góp phần phát triển tỉnh Vĩnh Phúc

Trần Long - Ảnh: Viết Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 14/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) chính thức khai mạc với sự tham gia của 348 đại biểu chính thức đại diện cho gần 70.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội diễn ra từ ngày 13 – 15/10/2020. Thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị phân công, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tới dự và chỉ đạo Đại hội.

Dự Đại hội có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Ngô Văn Dụ; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng...
 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.
Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII có chủ đề “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, siết chặt kỷ cương, giữ vững đoàn kết; đổi mới sáng tạo, đột phá nhằm phát triển nhanh và bền vững; vì khát vọng Vĩnh Phúc giàu mạnh, văn minh và phụng sự nhân dân”.
Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh đã phấn đấu cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đề ra. Nổi bật, kinh tế phát triển và duy trì mức tăng trưởng khá với bình quân tăng 7,1%/năm và cao hơn bình quân chung cả nước. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,56 lần so với năm 2015. Bình quân thu nhập đầu người đạt 104,68 triệu đồng/người/năm. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng đẩy mạnh, hoàn thành vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI đề ra.
Trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ tỉnh đặt ra các mục tiêu lớn như, dự kiến đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; kết cấu hạ tầng đô thị của tỉnh cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I để làm tiền đề để trở thành TP trực thuộc T.Ư. Đến năm 2030, Vĩnh Phúc thành một tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng cao, môi trường sống xanh, sạch, an toàn; thu nhập bình quân đầu người đạt 130-135 triệu đồng/người/năm.
Thay mặt Bộ Chính trị phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá, trong thời kỳ đổi mới đất nước, đặc biệt là sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tỉnh Vĩnh Phúc đã nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay Vĩnh Phúc đã trở thành một trong những điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội.
 Đồng chí Vương Đình Huệ thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư tặng hoa, chúc mừng Đại hội thành công.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị, tỉnh Vĩnh Phúc cần đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, cơ cấu lại nền kinh tế và tiếp tục thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược. Trong đó, tỉnh cần tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp thật sự trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển; chú trọng phát triển các dịch vụ chất lượng cao, đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, đẩy mạnh xây dựng NTM, nâng cao thu nhập bình quân của người dân.
Ngoài ra, cần tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng, ngành, quy hoạch sản phẩm; sớm xây dựng TP Vĩnh Yên và Phúc Yên trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Cùng với phát triển, hiện đại hóa đô thị, cần có chương trình hành động cụ thể để phát triển kinh tế đô thị thực sự là động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế bảo đảm hài hòa với phát triển văn hóa, con người, giải quyết các vấn đề xã hội...
Bên cạnh đó, tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Quyết liệt trong đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng bộ, đội ngũ cán bộ, đảng viên.