Thực hiện dự án thu phí không dừng: Hạn chót đã cận kề

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Còn hơn 3 tháng nữa là đến hạn hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Dự án thu phí không dừng vẫn giống như một công trường tương đối ngổn ngang với bộn bề việc phải làm.

Trạm thu phí không dừng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Trần Dũng
Mở nút thắt tại VEC
Mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp về triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đưa ra 3 phương án nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác triển khai thu phí không dừng ở các dự án do VEC quản lý. Phương án thứ nhất là nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu phí không dừng và sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước điều chuyển từ các dự án chậm giải ngân của Bộ GTVT theo quy định của pháp luật.

Phương án thứ hai là sử dụng nguồn thu phí tại các dự án của VEC để đầu tư, lắp đặt thiết bị thu phí và vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng tại các dự án của VEC trên cơ sở không ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của VEC phù hợp quy định của pháp luật. Và phương án thứ ba là huy động nguồn vốn của các nhà đầu tư (nhà cung cấp dịch vụ dự án giai đoạn 1, nhà cung cấp dịch vụ dự án giai đoạn 2, VEC) để đầu tư. Quá trình triển khai thực hiện phải đảm bảo hiệu quả, minh bạch, tiết kiệm, tuân thủ quy định pháp luật.

Các chuyên gia đánh giá, với 3 phương án trên, nút thắt khó khăn nhất trong dự án thu phí không dừng nằm tại các trạm thu phí của VEC coi như đã tìm được hướng giải quyết. Đây là tiền đề quan trọng để đưa việc thu phí không dừng về đích sau nhiều lần trễ hẹn.

Quan trọng là thay đổi nhận thức của người dân

Bên cạnh nút thắt tại VEC, dự án thu phí không dừng vẫn còn một rào cản không dễ vượt qua, chính là tỉ lệ phương tiện gắn thẻ tự động trả phí sử dụng đường bộ (thẻ ETC) còn thấp. Hiện tại, đây vẫn là vấn đề nan giải. Bởi thống kê mới nhất của Cục Đăng kiểm Việt Nam vào ngày 10/9 cho thấy, tổng số xe ô tô đã dán thẻ ETC đạt gần 852.000 xe. Trong đó, từ đầu năm 2020 đến nay có thêm hơn 106.000 xe được dán thẻ ETC. Trong số gần 852.000 xe đã được gắn thẻ E-tag có hơn 204.600 xe thực hiện tại các trung tâm đăng kiểm, còn Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) gắn hơn 647.000 xe.
Mới đây, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, trên thực tế, số xe đã gắn thẻ có thể nhiều hơn con số thống kê của cơ quan này. Lí do được đưa ra là khi gắn thẻ cho xe ô tô con, nhân viên của VETC không cần truy xuất dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam về tải trọng hoặc số chỗ ngồi của phương tiện, nên những trường hợp trên không thể hiện trên số liệu thống kê.

Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp số phương tiện được dán thẻ ETC cao hơn con số 852.000 xe, vẫn còn quá thấp so với khoảng 3,5 triệu phương tiện cần được dán thẻ ETC. Đó là chưa kể, không ít phương tiện khi đã có thẻ ETC nhưng lại không sử dụng do chủ tài khoản không nạp tiền hoặc nạp tiền vào tài khoản quá ít. Điều này dẫn tới tình trạng, nhiều trạm thu phí tại địa phương khi triển khai, lắp 2 làn thu phí không dừng rồi nhưng tỷ lệ phương tiện sử dụng thẻ ETC chỉ “lẹt đẹt” ở con số từ 10 - 20%. Nhiều chuyên gia dự báo, từ nay đến thời điểm cuối năm 2020 chỉ còn hơn 3 tháng, không dễ tỷ lệ phương tiện dán thẻ ETC tăng nhanh như kỳ vọng lại càng khó để tỷ lệ chủ phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí không dừng có sự thay đổi đột biến.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS. TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, để dự án thu phí không dừng có sự thay đổi đột biến đúng như kỳ vọng cần phải thực hiện song song cả 2 giải pháp là “phần cứng” và “phần mềm”. Trong đó, giải pháp “phần cứng” chính là công tác triển khai lắp đặt thiết bị thu phí không dừng ở các trạm thu phí cũng như tiến hành dán thẻ ETC cho các phương tiện. Còn“phần mềm” sẽ là một bộ giải pháp nhằm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán phí BOT của người dân.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, để thay đổi được thói quen này không đơn giản. Ngoài hệ các giải pháp mang tính chế tài (như hạn chế dần các làn thu phí thủ công để thay thế toàn bộ bằng thu phí không dừng; phạt những trường hợp chưa dán thẻ ETC nhưng cố tình đi vào làn ETC...), giải pháp tuyên truyền, vận động để thay đổi dần thói quen và nhận thức của người dân rất quan trọng.
“Nếu người dân vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt trong khi các trạm thu phí vẫn bố trí làn thu phí thủ công, tỉ lệ người lựa chọn làn ETC sẽ khó tăng được. Điều quan trọng nhất vẫn là thuyết phục người dân đến với ETC. Bởi nếu chỉ sử dụng mệnh lệnh hành chính, sẽ có nhiều người thực hiện một cách miễn cưỡng, hình thức cho có. Giống như việc nhiều phương tiện được dán thẻ ETC nhưng vẫn không nạp tiền hoặc nạp tiền rất ít vào tài khoản” - PGS. TS Ngô Trí Long nhận định.

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức khẳng định, thu phí không dừng sẽ giúp minh bạch hóa công tác thu phí tại các trạm BOT, hạn chế gian lận, sai phạm trong thu phí, đó là điều ai cũng biết. Tuy nhiên, vấn đề mà chủ đầu tư cũng như chủ phương tiện quan tâm nhất lại là những quyền lợi sát sườn. Do vậy, hãy cho họ thấy điều đó, chắc chắn sẽ có được sự đồng thuận cao.

Tại cuộc họp đầu tháng 9/2020 nhằm bàn giải pháp giải quyết các nội dung vướng mắc trong quá trình triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng tại các dự án do Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu, cuối năm 2020 cơ bản phải triển khai việc thu phí điện tử không dừng. Do đó, để đảm bảo tiến độ đề ra, các cơ quan, bộ ngành phải khẩn trương đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của mình.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cần tính toán kỹ lưỡng các phương án về tài chính, công nghệ, nhà cung cấp, “phải đúng, phải trúng, phải chặt” để tiến hành tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả, bảo đảm không được xảy ra lãng phí, tham nhũng khi thực hiện.

Với VEC, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đây là DN nên cần năng động theo cơ chế thị trường, không chỉ trông chờ vào Nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Với tình hình hiện tại, việc triển khai lắp đặt ETC tại các trạm thu phí vẫn phải thực hiện từng bước cho phù hợp. Tức là thời gian đầu vẫn phải bố trí song song cả làn ETC và làn thu phí thủ công để người dân có quyền lựa chọn. Nhưng trong tương lai cần sớm thay thế toàn bộ các làn thủ công bằng ETC để thu phí không dừng trở nên đồng bộ và toàn diện. 

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, PGS. TS Ngô Trí Long

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần