Thực hiện Luật Đất đai: Cần siết chặt quản lý

Mai Vân (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh vấn đề vướng mắc trong thực hiện Luật Đất đai, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hoàng Đạo – Hội Luật gia Việt Nam.

  Luật sư Hoàng Đạo – Hội Luật gia Việt Nam.
Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014. Ông có nhìn nhận gì về những hạn chế đã và đang nảy sinh từ thực tế?
- Sau gần 6 năm có hiệu lực thi hành, Luật Đất đai 2013 đã phát sinh một số vấn đề cần căn chỉnh. Trong đó có sự chồng chéo cả về luật; quy trình thủ tục hành chính còn rườm ra, mất thời gian, tốn kém về tài chính; thậm chí vẫn nảy sinh tiêu cực “xin – cho” trong quá trình thực hiện... Đặc biệt là việc áp dụng khung giá đất quy định 5 năm/lần, đã khiến Nhà nước thất thoát một khoản ngân sách không nhỏ từ việc quản lý, sử dụng đất; đồng thời khung giá đất đã tạo kẽ hở cho việc gian lận, trốn thuế.
Thời gian gần đây, việc phân lô, bán nền diễn ra ở hầu hết các tỉnh, TP. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Việc đầu tư đất nền xuất phát từ tâm lý của người dân. Sở hữu nền đất sẽ được thỏa mãn tâm lý làm chủ thực sự của khối tài sản chứ không phải hình thức sở hữu chung như đối với căn hộ chung cư. Quan trọng hơn, đất nền có thể mang lại lợi nhuận tốt và thanh khoản cao hơn. Nhưng việc phân lô, bán nền lại gây ra những tác động tiêu cực đến thị trường nhà đất, làm cho nguồn tiền bị chôn chân, dễ xảy ra "bong bóng" bất động sản. Các DN cũng sẽ dựa vào yếu tố này để tạo thành “dự án ma” lũng đoạn thị trường, gây rủi ro cho người dân.
Vậy cần phải sửa đổi, bổ sung như thế nào để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?
- Thực tế, Luật Đất đai 2003 và 2013 đều không quy định việc phân lô, tách thửa đối với đất nông nghiệp. Nhưng kể từ khi Quyết định 33/2014 về giải quyết tách thửa được ban hành, cùng với sự vào cuộc của UBND các tỉnh, thành với nhiều chính sách thu hút nhà đầu tư, không ít DN BĐS đã mua những quỹ đất lớn, sau đó tự phân lô đem bán kiếm lời, gây bức xúc xã hội.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải siết chặt hơn nữa việc phân lô, bán nền từ đất nông nghiệp. Bởi một số DN lợi dụng "kẽ hở" từ chính sách này để phân lô bán dự án trái pháp luật, dẫn đến tình trạng găm đất, đầu cơ, đợi giá lên mà không đưa vào sử dụng đất đúng thời gian quy định. Từ đó tạo ra nhiều dự án bị bỏ hoang, thậm chí phá nát quy hoạch của các đô thị.
Xin cảm ơn ông!