Thực hiện Luật Quy hoạch: Sẽ không còn đầu tư phát triển theo phong trào

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về việc thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ triển khai thi hành Luật Quy hoạch.

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và lãnh đạo các tỉnh, thành tại 63 điểm cầu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị triển khai Luật Quy hoạch. Ảnh: VGP
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Tiếp đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Luật Quy hoạch ra đời nhằm quản lý công tác quy hoạch từ quy hoạch quốc gia đến quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh... Đây là luật mới lần đầu tiên áp dụng, liên quan đến rất nhiều luật khác. Phạm vi của luật rộng, có nhiều nội dung mới, quy hoạch mới và đây lần đầu tiên áp dụng đồng thời tất cả các quy hoạch trong giai đoạn từ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050.
Luật Quy hoạch ra đời sẽ  là công cụ quản lý, đảm bảo cho phát triển bền vững. Giúp đầu tư phát triển căn cứ vào quy hoạch, khắc phục tình trạng đầu tư phát triển theo phong trào dẫn đến khủng hoảng thừa.
Để triển khai thi hành luật, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 phân công cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp như tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Quy hoạch; xây dựng các dự án Luật sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch; xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch; thực thi các quy định chuyển tiếp của Luật Quy hoạch; xây dựng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của Luật Quy hoạch.
Tại hội nghị, Bộ KH&ĐTđã báo cáo tổng hợp kết quả triển khai thi hành Luật Quy hoạch, trọng tâm là tình hình thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, kiểm điểm các công việc đã thực hiện, cũng như đề xuất giải pháp triển khai trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ cũng báo cáo về kế hoạch tổ chức triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung cho biết, trong hơn một năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao, qua đó cũng đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, thực tế một số khái niệm còn có cách hiểu và vận dụng khác nhau dẫn đến việc lúng túng trong áp dụng.
Nhiều ý kiến từ lãnh đạo các bộ như TN&MT, Công Thương, các địa phương cho biết, hiện nay, còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong triển khai Luật quy hoạch. Đó là việc chưa có Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, do đó các địa phương, bộ, ngành chưa thể lập quy hoạch mới cho giai đoạn 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của nhiều địa phương.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, vai trò của quy hoạch vô cùng quan trọng giúp dự báo phát triển ngành, các sản phẩm của địa phương và toàn bộ nền kinh tế. Luật Quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng, bao trùm nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, là công cụ pháp lý quan trọng giúp cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đề ra mục tiêu chiến lược, xác định động lực phát triển của mỗi ngành, mỗi vùng, mỗi địa phương và cả quốc gia, đảm bảo sự phát triển đồng bộ, khai thác nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả.
Đặc biệt, Luật Quy hoạch có nhiều khái niệm, quy định lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam như Quy hoạch tổng thể quốc gia được lập cho thời kỳ 10 năm. Trước đây chỉ có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước mà hiện nay đang xây dựng cho thời kỳ 2021 - 2030. Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch vừa mang tính vật thể, vừa mang tính chiến lược, lần đầu tiên được triển khai lập. Khái niệm phương pháp tích hợp quy hoạch cũng là khái niệm mới, lần đầu tiên áp dụng.
“Trước yêu cầu phát triển kinh tế xã - hội trong thời gian trước mắt cũng như hoạch định các chương trình, định hướng cho giai đoạn 2021 - 2030, đặc biệt trong bối cảnh đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc đang rất gần, hơn lúc nào hết, việc triển khai thi hành luật Quy hoạch cần phải khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ và phải xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành và địa phương” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT báo cáo tổng hợp kết quả triển khai thi hành Luật Quy hoạch, trọng tâm là tình hình thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, kiểm điểm việc thực hiện các nhiệm vụ và đề xuất giải pháp triển khai trong thời gian tới; Báo cáo về kế hoạch tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trì thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch…
Đồng thời, Bộ TN&MT đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Đây là những công việc quan trọng trong việc đầu tư phát triển kinh tế của đất nước.
Các bộ, ngành T.Ư khẩn trương soạn thảo và trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật quy hoạch; tập trung xây dựng quy hoạch các ngành quốc gia thuộc phạm vi của mình như quy hoạch điện lưới quốc gia, quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng giao thông;…
Về phía các địa phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo khẩn trương rà soát, ban hành danh mục quy hoạch sản phẩm địa phương. Phối hợp với Bộ KH&ĐT nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch. Đặc biệt, tập trung vào công tác quy hoạch tỉnh, thành lập Ban chỉ đạo quy hoạch tỉnh, xem xét tích hợp các quy hoạch vào quy hoạch tỉnh. Đây là cơ hội thu hút đầu tư nhanh theo yêu cầu phát triển.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần