Thực hư chuyện “bịa” chỉ tiêu lao động qua đào tạo để báo cáo?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/10, bên lề hội thảo Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, nói số chỉ tiêu lao động qua đào tạo là lừa thì không đúng.

Trước đó, ngày 28/9. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia chuẩn bị cho thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và đánh giá nửa nhiệm kỳ.
Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định với báo chí: Nói chỉ tiêu lao động qua đào tạo đánh lừa giác quan là không đúng.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 12 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua cho năm 2018 có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt. 1 trong 4 chỉ tiêu đạt là tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế, kế hoạch giao là từ 58 - 60%, ước thực hiện 58,6%. Trong đó, tỷ lệ qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đạo tạo số ước thực hiện đúng bằng số được giao là 23 - 23,5%.
Có ý kiến về chỉ tiêu lao động đào tạo, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động - xã hội, Bộ LĐTB&XH thẳng thắn cho hay: “Chỉ tiêu lao động qua đào tạo là bịa, mà chúng tôi bịa, vì chẳng ai theo dõi cả”.
Bà Hương còn cho biết: “Một lần tôi đã bị bộ trưởng mắng vì đáng lẽ phấn đấu đến năm 2015 phải đạt tỷ lệ 50% lao động qua đào tạo, nhưng chúng tôi tính toán ngược xuôi chỉ được 49%. Bộ trưởng báo có và bị phê bình. Thế nên, chẳng tội gì mà không phết lên 50%, ai biết 50% là bao nhiêu”.
Cũng theo bà Hương, lý do phết chỉ tiêu lao động qua đào tạo lên 50% là do “người nghe muốn nghe cái gì”, chứ không phải do người làm báo cáo. Quốc hội có dám đối diện với sự thật lao động qua đào tạo có 23%, so với các nước là thua rất nhiều?
Hôm nay 3/10, trao đổi với báo chí về chỉ tiêu lao động qua đào tạo đã được sử dụng rất nhiều năm, ông Bùi Sỹ Lợi, cho hay: Đất nước chúng ta làm nông nghiệp là chủ yếu, đang chuyển dịch cơ cấu sang nông nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Cho nên, lao động qua đào tạo là để chúng ta chuyển dịch cơ cấu lao động. Lao động của chúng ta có hai dạng, một là đào tạo kèm cặp theo Quyết định 1956 của Chính phủ để nâng dần chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển.
“Chỉ tiêu lao động qua đào tạo có vị trí, vai trò lịch sử của nó. Cho đến giờ phút này có đang còn có giá trị nhất định bởi đó chính là căn cứ để chúng ta đánh giá lực lượng lao động có chuyên môn, được hướng dẫn để đáp ứng yêu cầu sản xuất” - ông Lợi nhấn mạnh. Đồng thời cho biết: Quốc tế không dùng chỉ tiêu lao động qua đào tạo mà họ áp dụng chỉ tiêu lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên, được cấp chứng chỉ nghề nghiệp. Đó là nguồn lao động có chất lượng cao hơn.
Theo ông Lợi, đến thời điểm này, chỉ tiêu lao động qua đào tạo của chúng ta đã kết thúc được chức năng nhiệm vụ và sứ mệnh lịch sử. Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hơn nữa. Chúng ta phải hội nhập quốc tế nên dùng một chỉ tiêu lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên được cấp chứng chỉ và phải qua trường lớp.
“Tôi khẳng định lao động qua đào tạo của chúng ta trong những năm vừa qua và đến năm 2017 chúng ta đạt 57% đó là vị trí rất quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế… Chúng tôi đang bàn với Bộ LĐTB&XH và Bộ KH&ĐT để lựa chọn 1 phương án chỉ tiêu. Có lẽ, đến nhiệm kỳ 2022 trở đi bắt đầu xem xét dùng chỉ tiêu vừa đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam nhưng vừa đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.