Thực phẩm chức năng chữa bệnh: Đừng để tiền mất, tật mang

Trần Thảo (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc quảng cáo sai sự thật các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) không chỉ là nỗi bức xúc của cơ quan quản lý mà của rất nhiều người tiêu dùng. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong xung quanh vấn đề này.

 Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong 
Thưa ông, hiện nay, nhiều DN có sản phẩm đang quảng cáo sai quy định dưới những hình thức rất tinh vi, vậy đến nay, Cục ATTP đã xử lý được bao nhiêu trường hợp vi phạm?
- Thời gian qua, Cục ATTP cũng như các cơ quan chức năng liên quan đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt xử lý các đơn vị sai phạm trong quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Điển hình, chỉ trong một tháng qua, Cục đã ra quyết định xử phạt 16 cơ sở vi phạm quy định về quảng cáo với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm 2020 đến nay, 24 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền trên 1,62 tỷ đồng. Trong đó, có những vi phạm nghiêm trọng như sản xuất, bán sản phẩm TPCN không có giá trị sử dụng, quảng cáo TPCN gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh. Đó là chưa kể sai phạm về ghi nhãn TPCN, sai so với hồ sơ công bố, sử dụng hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Đơn cử như khi dịch Covid-19 hoành hành, một số đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo nhiều loại TPCN có tác dụng tiêu diệt virus SARS-CoV-2. Thậm chí, có những đơn vị "mượn” hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm. Bên cạnh đó, tình trạng bán TPCN online, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, không công khai nơi trưng bày...
Những chiêu trò quảng cáo trá hình đã và đang gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý như thế nào, thưa ông?
- Rất nhiều quảng cáo TPCN có nội dung “lập lờ đánh lận con đen”, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Không ít người vì tin lời quảng cáo nên bỏ nhiều tiền ra mua TPCN trị bệnh, bỏ lỡ quy trình điều trị, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, thậm chí tính mạng. Trong khi đó, hiện nay, các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo TPCN thường chỉ bị xử phạt hành chính với mức xử phạt chưa đủ răn đe cùng biện pháp bổ sung là gỡ bỏ nội dung quảng cáo.
Tuy nhiên, kể từ lúc sản phẩm được quảng cáo đến khi cơ quan chức năng ra quyết định xử lý có thể là khoảng thời gian rất dài để sản phẩm “lộng hành” lừa dối người tiêu dùng. Nhiều DN cố tình vi phạm, chấp nhận bị phạt để bán hàng, quảng cáo TPCN...
Mặt khác, việc xử lý sai phạm không hề dễ dàng. Bởi nhiều trường hợp công bố sản phẩm trên mạng xã hội, trên các trang web khi mời đại diện DN tới để lập biên bản xử phạt thì phía DN phủ nhận việc quảng cáo sản phẩm nói trên, trong khi bình thường thì họ phải phản ứng nếu bị mạo danh.
Hiện các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN đang ngày càng tinh vi, khiến cơ quan chức năng khó xử lý. Theo quy định, vi phạm về quảng cáo thì xử lý theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc quản lý nội dung quảng cáo trên một số trang mạng xã hội, website hiện rất khó khăn, đặc biệt với những mạng xã hội, website có hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài.
 Cục ATTP đã phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý website quảng cáo sản phẩm.
Cục ATTP có những giải pháp gì để quản lý những vấn đề rất nan giải này, thưa ông?
- Trước tình hình đó, một mặt, Cục ATTP chuyển hồ sơ vụ việc sang Bộ TT&TT để xử lý theo quy định. Mặt khác, Cục ATTP thông báo trên trang website của Cục về các sản phẩm đang vi phạm quy định của pháp luật. Cùng với việc thành lập Đoàn liên ngành đột xuất, Cục ATTP đã chủ động mời Thanh tra Bộ TT&TT, Thanh tra Bộ VH TT&DL thành lập Tổ phản ứng nhanh nhằm mục đích nếu các phương tiện quảng cáo sai thì các lĩnh vực, các bộ ngành liên quan đến quản lý phương tiện đó phải xử lý.
Đặc biệt, Cục ATTP đã mời chủ thể đại diện của facebook đến thông báo rõ những quảng cáo sai phạm và đề nghị không được đưa thông tin đó. Nếu facebook vẫn cố tình đưa tin, Cục ATTP sẽ có văn bản báo cáo với Bộ Tài chính để ngân hàng không chuyển tiền đối với facebook quảng cáo thu tiền.
Để quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN, thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xử phạt các hành vi vi phạm với khung cao nhất; thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm, tiến hành thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện sai phạm (nếu có) để ngăn chặn nguy cơ sản phẩm kém chất lượng tới tay người tiêu dùng.
Đồng thời, Cục ATTP khuyến cáo, tất cả các sản phẩm TPCN quảng cáo trên mạng xã hội, dùng thư tín bệnh nhân, hình ảnh cơ sở y tế, danh nghĩa cơ quan y tế, hình ảnh bác sĩ, có công dụng chữa bệnh nọ bệnh kia hay đẩy lùi bệnh là hoàn toàn sai sự thật, người dân tuyệt đối không mua.
TPCN chỉ hỗ trợ chứ không thể điều trị dứt bệnh. Để bảo đảm an toàn cho chính bản thân và gia đình, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác để không bị các đối tượng mạo danh bác sĩ hay bệnh viện điều trị, kê đơn, bán thuốc…
Xin cảm ơn ông!