Hà Nội: Thực phẩm, hàng tiêu dùng đại hạ giá ngày 30 Tết

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong các phiên chợ cuối cùng của năm cũ Mậu Tuất, chuẩn bị đón năm mới Kỷ Hợi các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm tươi sống đã tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày bình thường, tuy nhiên đến chiều 30 Tết các mặt hàng thực phẩm, hoa tươi, thời trang đã đại hạ giá sau những ngày đẩy giá lên cao.

 Nhiều người dân Hà Nội lựa chọn mua sắm rau xanh, hoa quả tại các siêu thị, chuỗi hệ thống cửa hàng tiện dụng thay vì mua tại chợ truyền thống như trước.
Thực phẩm giảm giá, rau xanh vẫn cao ngất ngưởng
Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại hệ thống chợ truyền thống như Kim Liên, Châu Long, Thành Công, chợ Hôm, Đồng Xuân... Trong khi đó, giá cả các loại thịt như thịt lợn, thịt gà tăng nhẹ hơn. Cụ thể, thịt dọi ba chỉ ngon đã ở mức 120.000 - 140.000 đồng/kg (tăng khoảng 50.000 đồng/kg); xương sườn  ở mức 120.000 - 130.000 đồng/kg... Thịt bò giá 240.000 - 260.000 đồng/kg. Gà lông được bán với giá 150.000 đồng/kg (tăng 50.000 đồng so với tuần trước).
Tuy nhiên đến sáng ngày 30 Tết (ngày 4/2) giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống đã trở lại bình thường, cụ thể Thịt lợn sấn mông, vai, ba chỉ, bắp giò có giá 100.000 đồng/kg. Sườn dẻ non có giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, tùy chợ. Trước đó vài ngày, các loại thịt lợn cũng đã nhích lên khoảng 10.000 đồng/kg. Thịt bò vẫn giữ giá ở mức 240.000 - 300.000 đồng/kg, tùy chợ và tùy loại thịt.
 Rau xanh vẫn giữ giá ở mức cao...
Riêng mặt hàng rau xanh vẫn giữ giá ở mức cao như mấy ngày trước. Cụ thể, su hào có giá từ 7.000 - 10.000 đồng/củ. Bắp cải có giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg. Cải canh có giá từ 18.000 - 22.000 đồng/kg. Bí xanh có giá từ 17.000 - 18.000 đồng/kg. Thực tế cho thấy khác với nhiều năm trước, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm nay, nhiều người dân Hà Nội lựa chọn mua sắm rau xanh, hoa quả tại các siêu thị, chuỗi hệ thống cửa hàng tiện dụng thay vì mua tại chợ truyền thống như trước.
Lý giải lý do chọn hệ thống siêu thị mua sắm các mặt hàng thực phẩm, rau xanh, người tiêu dùng có chung ý kiến: Mặc dù giá bán rau, củ, hoa quả, thịt tại hệ thống siêu thị đắt hơn chợ truyền thống nhưng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn, giá cả ổn định, không tăng đột biến.
Hoa, quần áo thời trang đại hạ giá
 
Trong ngày cuối cùng trước khi bước sang năm mới, mặc dù đã giảm giá "kịch kim" nhưng hàng nghìn cành đào, gốc đào, chậu quất, thời trang…rơi vào tình cảnh bán mãi không ai mua.
Nếu như những ngày 28-29 Tết một chậu quất cảnh mini giá rẻ nhất cũng 400.000-500.000 đồng/chậu nhưng trong phiên chợ ngày 30 Tết, người bán chỉ dám ra giá 100.000-150.000 đồng/chậu, các cành đào cũng rớt ra thê thảm, chỉ từ 100.000đ - 500.000đ/cành tùy kích thước to nhỏ...Mặt hàng hoa cắm bình như cúc, lay ơn, hoa ly cũng rơi vào tình trạng tương tự, cụ thể, lay ơn có giá 60.000 - 70.000 đồng/chục, giảm từ 20.000 - 30.000 đồng/chục. Cúc vàng đại đóa, cúc vàng kim cương bán lẻ có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/chục, ly vàng 3 tai/cành có giá 200.000 đồng/chục cành, giảm khoảng 80.000 - 100.000 đồng/chục cành.
Một tiểu thương bán quất cảnh tại chợ Hà Đông chia sẻ: Những ngày đầu tôi bán với giá 500.000đồng một cây giờ mong lấy lại được vốn ban đầu nên hạ giá chỉ còn 100.000 đồng/cây. Mặc dù đã hạ giá bán mà còn không có khách mấy mua, tôi đi giao khắp chợ mà mọi người đều thờ ơ không hỏi mua. Lý giải nguyên nhân thờ ơ không mua mặt hàng đào, quất ...nhiều người tiêu dùng nêu rõ: những cây quất bầy bán ngày 30 Tết là hàng tồn, dáng thế không đẹp. Với mặt hàng hoa đào, do thời tiết nóng bức nên hoa nở sớm nên rất khó để chọn những cành đào ít hoa nhiều nụ nên không muốn mua.
Chiều 4/2 (tức chiều 30 Tết), nhiều cửa hàng thời trang quần áo, giày dép trên phố Chùa Bộc, Cầu Giấy  đã đồng loạt "xả hàng” với nhiều hình thức giảm khác nhau như: Đồng giá, giảm giá tiền theo phần trăm…. Cụ thể ngày thường áo sơ mi có giá dao động từ 250.000-500.000 đồng/sản phẩm, nay áo sơ mi giá từ 100.000-150.000 đồng/chiếc, comple 700.000-900.000 đồng/bộ, áo gió, áo len nam giá từ 130.000-150.000 đồng/áo...Quần áo, giầy dép, túi xách... bày la liệt trên vỉa hè, mỗi đôi giày ở đây bán chỉ từ 100.000đ/đôi.
Việc các mặt hàng thực phẩm trở lại bình thường trong ngày cuối cùng năm Mậu Tuất cho thấy ngành công thương Hà Nội đã đảm bảo cung ứng đủ hàng cho thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đặc biệt không để xảy ra khan hàng, sốt giá.Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong dịp Tết, Hà Nội có 125 địa điểm đăng ký mở cửa bán hàng từ ngày 5/2 (tức ngày mùng 1 Tết). Ngày 6 và 7/2 (tức ngày mùng 2 và mùng 3 Tết) có thêm 75 địa điểm đăng ký mở cửa bán hàng trở lại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần