Thực phẩm khô tăng nhẹ

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm khô đã bắt đầu dự trữ các mặt hàng măng, miến, nấm hương, mộc nhĩ... chuẩn bị cho thời điểm cuối năm.

Thực tế của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị tại một số chợ truyền thống như Kim Liên, Châu Long, Đồng Xuân... cho thấy giá bán các mặt hàng thực phẩm khô đã tăng nhẹ từ 5 - 10% so với Tết Mậu Tuất. Cụ thể mộc nhĩ 200.000 - 250.000 đồng/kg, măng khô tùy thuộc vào chất lượng, chủng loại măng “lưỡi lợn” hay đã xé nhỏ... có giá từ 120.000 - 350.000 đồng/kg; nấm hương 320.000 - 400.000 đồng/kg; miến 40.000 - 70.000 đồng/kg; hạt sen 140.000 - 170.000 đồng/kg; các loại mực khô 320.000 - 900.000 đồng/kg; mực xé sợi 300.000 đồng/kg, loại cán nguyên miếng 650.000 đồng/kg. Hiện thời điểm này nhiều tiểu thương tại các chợ Hà Nội đã chuẩn bị gom các mặt hàng khô chuẩn bị Tết Nguyên đán. Chị Hoàng Thúy, một tiểu thương ở chợ Châu Long cho biết: Hiện tại cửa hàng đã đặt mua một số mặt hàng như măng khô, miến dong, mộc nhĩ, nấm hương… để chuẩn bị bán vào dịp Tết Nguyên đán. Nhiều tiểu thương thường mua hàng Tết sớm để tránh cận Tết Nguyên đán hàng bị đẩy giá lên cao, lợi nhuận sẽ không được nhiều. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện rất chuộng đồ tươi sống nên vào thời điểm hiện nay sức tiêu thụ chưa tăng, tuy nhiên vào thời điểm cận Tết Nguyên đán sức mua sẽ tăng mạnh và giá của các mặt hàng thực phẩm khô có thể tăng ít nhất từ 10.000 -50.000 đồng/kg.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị như Big C, Vinmart, Hapro Mart... cũng đã bắt đầu vào đợt cao điểm bán hàng Tết. Tại hệ thống siêu thị Vinmart đã bày bán các loại nấm hương, mộc nhĩ, măng khô... nhưng giá bán cao hơn thị trường tự do. Cụ thể mộc nhĩ 250.000 đồng/kg, nấm hương khô Thu Dung và Lý tưởng Việt giá từ 500.000 - 600.000 đồng/kg... Lý giải nguyên nhân khiến giá nông sản khô bày bán trong hệ thống siêu thị đắt hơn thị trường tự do, đại diện Vinmart cho biết: Các mặt hàng nông sản khô bày bán tại siêu thị đều đạt tiêu chuẩn VietGap, có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nên giá bán cao hơn thị trường tự do là điều khó tránh khỏi.

Để đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Theo đó, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trong dịp Tết trị giá 28.500 tỷ đồng. Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận đặc sản vùng miền từ nay đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi HPA sẽ phối hợp với các tỉnh, thành liên tục tổ chức Tuần lễ giới thiệu nông sản an toàn, đặc sản vùng miền. Cụ thể ngày 17/12 HPA phối hợp với tỉnh Lào Cai tổ chức “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm măng tây theo chuỗi liên kết, sản phẩm nông sản an toàn của Hà Nội và Lào Cai năm 2018”.