Thuế bảo vệ môi trường: Không chỉ tăng với xăng dầu

Đinh Nguyễn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc họp báo chiều 10/4, ông Phạm Đình Thi -Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho hay, đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) không chỉ với mặt hàng xăng dầu mà còn với nhiều mặt hàng khác.

Theo đại diện Bộ Tài chính, đây mới chỉ là đề xuất, chưa tác động đến giá bán lẻ xăng dầu cũng như đến sản xuất, kinh doanh.

Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất tăng khung thuế môi trường lên mức cao nhất 8.000 đồng/lít với xăng dầu sẽ đổ gánh nặng giá lên vai người dân và làm giảm sức cạnh tranh của DN. Ông nói gì về điều này?

-Việc đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu được căn cứ vào nhiều yếu tố như cam kết quốc tế về cắt giảm dần thuế nhập khẩu, giá xăng dầu của Việt Nam so với các nước trên thế giới, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ xăng dầu.

Khi đề xuất mức thuế BVMT cụ thể, Bộ Tài chính sẽ phải có các đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế đến nền kinh tế trong nước để đảm bảo cùng với các giải pháp cải cách hành chính sẽ không làm giảm sức cạnh tranh của DN Việt Nam.

Bộ Tài chính hiện mới đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu trên cơ sở tính toán nhiều yếu tố để đảm bảo tính ổn định của luật áp dụng cho thời gian dài.

Xăng dầu đang chiếm từ 25 - 55% chi phí đầu vào của hàng hóa. Với mức thuế, phí liên tục tăng hiện nay, việc Bộ Tài chính cho rằng, tăng thuế BVMT với mặt hàng này chưa tác động đến sản xuất, kinh doanh cũng như giá bán lẻ xăng dầu liệu có hợp lý?

- Giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN. Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 3/4/2017 thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp (trong 180 nước thì Việt Nam đứng thứ 44 từ thấp đến cao. Và 136 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam, trong đó Philippines đứng thứ 55, Campuchia đứng thứ 58, Thái Lan đứng thứ 88, Lào đứng thứ 97).

Tỷ lệ thuế (gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế BVMT, thuế VAT) trên giá cơ sở của Việt Nam cũng không hề cao. Ngược lại, có thể nói mức này đang thấp (37,24% đối với xăng; 21,14% đối với diesel; 11,5% đối với dầu hỏa; và 18,4% đối với mazut) so với nhiều nước (Hàn Quốc là 70,3%; Campuchia khoảng 40%; Lào khoảng 56%).

Trên cơ sở tính toán tất cả các yếu tố nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị tăng khung mức thuế BVMT từ 1.000 đồng/lít - 4.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít - 8.000 đồng/lít là phù hợp (khung áp dụng cho lộ trình dài).

Hiện, ngoài mặt hàng xăng dầu, một số hàng hóa khác cũng có những tác động nhất định tới môi trường như than, thép… Vậy, lý do nào để dự thảo này, Bộ Tài chính chọn xăng là mặt hàng điều chỉnh khung thuế BVMT?

- Để giảm các tác động có hại đến môi trường và có nguồn lực để giải quyết vấn đề môi trường, hiện nay có một số chính sách thuế, phí, lệ phí thu vào việc sử dụng các hàng hóa này.

Ví dụ, phí BVMT đối với nước thải (thu đối với nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt); phí BVMT đối với chất thải rắn (thu đối với chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại theo quy định của pháp luật); phí BVMT đối với khai thác khoáng sản (thu đối với các khoáng sản được khai thác như: Dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại).

Luật Thuế BVMT quy định 8 nhóm hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường thuộc đối tượng chịu thuế (thép không thuộc đối tượng chịu thuế BVMT). Qua đánh giá tổng thể khung thuế BVMT hiện hành, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung thuế của 3/8 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, gồm xăng dầu, túi nilon thuộc diện chịu thuế, dung dịch hydro-chloro-fluoro-cacbon (HCFC). Đối với 5 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế BVMT còn lại (trong đó có than đá), Bộ Tài chính không đề xuất điều chỉnh khung thuế do mức thuế cụ thể hiện hành đang được quy định bằng mức tối thiểu trong khung thuế.

Xin cảm ơn ông!

Hải quan “siết” kiểm tra C/O ô tô nhập khẩu

Cũng tại buổi họp báo, Tổng cục Hải quan cho biết, vừa có văn bản yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, TP tăng cường kiểm tra các tiêu chí nguồn gốc xuất xứ (C/O) đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu khi áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt từ các nước ASEAN (từ đầu năm 2018) để chống gian lận trong quá trình nhập xe vào Việt Nam. Trong trường hợp có nghi vấn liên quan đến tính hợp lệ của C/O, các thông tin khai báo C/O hay xuất xứ thực tế của hàng hóa nhập khẩu các Cục Hải quan tỉnh, TP phải gửi báo cáo và hồ sơ liên quan về Tổng cục để tiến hành xác minh.

“Sau khi rà soát C/O của các lô hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đã cho hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt từ 1/1/2017 đến nay, nếu có dấu hiệu vi phạm, chủ động tổ chức kiểm tra sau thông quan và báo cáo kết quả về Tổng cục Hải quan” - văn bản của Tổng cục Hải quan nêu rõ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần