Thuê tài chính - giải pháp mới cho các doanh nghiệp

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề vốn cho hoạt động của DN luôn là một bài toán làm đau đầu các nhà quản trị, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng quả là khó khăn. Trong những trường hợp như vậy, thuê tài chính là một giải pháp tối ưu.

Thị trường tiềm năng

“Cái gì sẽ tăng giá thì hãy mua, cái gì sẽ mất giá thì hãy đi thuê”, đó là một câu nói rất nổi tiếng của Paul Getty, một đại gia dầu lửa của Mỹ, nhà tỷ phủ đầu tiên trên thế giới. Ngày nay ở Mỹ, trên 30% tổng số các thiết bị đều được trang bị dưới các hợp đồng thuê. Hơn 80% các công ty – từ những công ty nhỏ mới thành lập cho tới những DN nằm trong danh sách Fortune 500 đều đi thuê một phần hoặc toàn bộ máy móc thiết bị của họ. Theo các chuyên gia, tổng doanh số thuê tài chính toàn cầu hàng năm lên tới 1.000 tỷ USD. Riêng tại Nhật Bản, doanh số cho thuê tài chính hàng năm cũng vào khoảng 50 tỷ USD.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phát biểu tại Tọa đàm về thuê tài chính. Ảnh:  Tuấn Anh

Khi tham gia hoạt động thuê tài chính, thuê mua hoặc thuê vận hành, DN sẽ sử dụng được công nghệ mới, đổi mới được kỹ thuật và tiếp cận được gần như 100% nguồn vốn hình thành nên tài sản từ các công ty cho thuê tài chính.

Tại Việt Nam, cho thuê tài chính và công ty cho thuê tài chính ra đời và phát triển đã khá lâu, gần 20 năm, nhưng theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, mới có 11 công ty cho thuê tài chính, đa phần đều có vốn điều lệ rất nhỏ, vốn huy động cũng không lớn. Viêt Nam vẫn là một thị trường nhỏ, với dư nợ chỉ ở mức 8.700 tỷ đồng, chiếm 0,16% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng. Do đó, dư địa để cho thuê tài chính phát triển tại Việt Nam còn nhiều, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm trên 95% tổng số DN.

Khi nào DN sẽ thuê tài chính?

Điều đáng mừng là hoạt động cho thuê tài chính đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Bằng chứng là cuối tuần qua, Công ty Cho thuê tài chính BIDV - SuMi TRUST (BSL), liên doanh giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui (SuMi TRUST) của Nhật Bản đã chính thức khai trương. Đây là liên doanh cho thuê tài chính đầu tiên tại Việt Nam, có vốn điều lệ gần 900 tỷ đồng, trong đó BIDV sở hữu 50%.

Rất nhiều khả năng, sự tham gia của cổ đông SuMI TRUST, BSL sẽ thu hút được sự quan tâm của 3.200 DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam - vốn rất quen thuộc với hoạt động cho thuê tài chính, từ đó dần dần mở rộng tới khách hàng có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khác cũng như DN trong nước. Bắt tay với nhà đầu tư ngoại có kinh nghiệm, mạng lưới khách hàng hùng hậu cũng là bước tiếp cận đúng đắn trong bối cảnh hiện nay của các công ty cho thuê tài chính.

“BSL sẽ kết nối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp thiết bị để hỗ trợ người sử dụng cuối cùng tìm được máy móc,thiết bị đáp ứng nhu cầu sản xuất của mình và có giải pháp tài chính phù hợp thông qua thuê tài chính” - Tổng Giám đốc BSL Nguyễn Thiều Sơn cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam chia sẻ, một DN nhỏ chuyên sản xuất xe đạp tại Hải Dương có lượng đơn đặt hàng khá lớn, nhưng vì không có vốn nên không dám mở rộng sản xuất, thậm chí lãnh đạo DN còn không dám nhận đơn đặt hàng. Chính vì thế, ông Thân cho rằng, thuê tài chính sẽ là một giải pháp rất hữu ích cho các DNNVV của Việt Nam giống như DN tại Hải Dương này.

Trong khi đó, đại diện cơ quan quản lý Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Trọng Du - Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng đánh giá, một trong những đặc thù của công ty cho thuê tài chính không chỉ là hỗ trợ về vốn mà còn được nhận tiền gửi của tổ chức và các hình thức huy động vốn khác, do vậy đây sẽ là kênh huy động vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn, quan trọng trong tương lai. Ông Du cũng cho biết, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cho thuê tài chính.

Cho thuê tài chính là hoạt động tín dụng trung và dài hạn thông qua việc cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và các động sản khác (văn phòng, công trình xây dựng…) giữa bên cho thuê tài chính với bên thuê (khách hàng). Bên cho thuê mua tài sản theo yêu cầu của bên thuê và nắm giữ quyền sở hữu đối với các tài sản cho thuê. Bên thuê sử dụng tài sản thuê và thanh toán tiền thuê trong suốt thời hạn thuê như thỏa thuận nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần