Thùng rác bảo vệ môi trường ở Cự Khối

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Với việc đặt các thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại đồng ruộng, phường Cự Khối, quận Long Biên không chỉ cải thiện được môi trường mà còn thay đổi ý thức và hành động của người dân đối với việc bảo vệ môi trường từ những việc làm tưởng như nhỏ này.

Hiệu quả từ thực tế
Cự Khối là một vùng cây ăn quả lớn của quận Long Biên với những loại quả nổi tiếng như ổi găng, táo, cam… Để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vấn đề sử dụng thuốc BVTV là điều không thể thiếu. Vì vậy, đi đôi với việc sử dụng thuốc BVTV đúng cách, đúng quy định, việc xử lý vỏ, chai thuốc sau sử dụng là vấn đề cần được quan tâm.
Ông Lê Văn An - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cự Khối cho biết, sau khi sử dụng thuốc BVTV, nông dân thường có thói quen vứt bao bì, chai, lọ chứa thuốc ngay trên đồng ruộng hoặc bỏ xuống kênh mương và ven các tuyến đường nội đồng. Hầu hết, các loại bao bì, chai, lọ thuốc BVTV thường là vật liệu khó phân hủy trong môi trường. Hơn thế, lượng thuốc BVTV tồn đọng trong chai, lọ, bao bì là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới hệ sinh thái và con người. Theo đó, được sự hỗ trợ của quận Long Biên, từ năm 2012, phường Cự Khối đã triển khai đặt 60 thùng chứa bao bì thuốc BVTV tại các khu vực đồng bãi của phường. Các thùng chứa có nắp đậy, được đặt gần lối đi, sát địa điểm bà con pha thuốc. Qua đó, có chỗ giúp bà con thuận tiện trong việc tập trung bao bì thuốc BVTV.

Thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật được đặt ở vùng bãi của phường Cự Khối. Ảnh: Nguyễn Nga

Đã thành thói quen, 5 năm nay, mỗi lần sau khi phun thuốc sâu, anh Nguyễn Hoài Nam lại ghé qua thùng nhựa được đặt ven đường để bỏ những vỏ chai, bao bì thuốc BVTV vừa sử dụng xong. Hành động nhỏ này tưởng chừng là việc làm đơn giản nhưng lại đem lại lợi ích thiết thực vô cùng lớn. Anh Nam thành thật chia sẻ, trước đây, mỗi lần phun thuốc BVTV xong, anh thường phải gói ghém các loại bao bì đem về nhà. Thế nhưng, do lắm việc nên nhiều hôm bị quên lại bỏ ngay trên bờ ruộng. Việc này đã vô tình gây ô nhiễm môi trường. Từ ngày Hội Nông dân phường cho đặt các thùng thu gom rác ở đầu các tuyến đường chính dẫn vào ruộng, anh và người dân ở đây đều đem bao bì thuốc BVTV bỏ vào thùng để chờ thu gom xử lý. “Tôi thấy mô hình này rất tiện lợi và hiệu quả. Nhờ vậy mà khu vực đồng bãi của phường Cự Khối không còn tình trạng vỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV vứt ngổn ngang như trước đây nữa” – anh Nam chia sẻ.
Nhân rộng mô hình
Việc đặt thùng thu gom vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV tại Cự Khối đã tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Sau 5 năm thực hiện, mô hình được đánh giá là giải pháp có hiệu quả thiết thực trong việc xử lý môi trường đồng ruộng và đã thay đổi thói quen xấu của người nông dân.
Nói về hiệu quả của mô hình, ông Ngô Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND phường Cự Khối cho biết, việc xây dựng thùng chứa vỏ bao bì thuốc BVTV đã nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân theo hướng tích cực. Từ đó, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ sản xuất nông nghiệp, giữ gìn môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, các tuyến đường nội đồng, bờ ruộng, bờ mương không còn vỏ bao, lọ đựng thuốc BVTV vứt bừa bãi như trước nữa. Khu đồng bãi của phường Cự Khối đã hạn chế được nguy cơ tiềm ẩn về tình trạng ô nhiễm môi trường. Đây chính là cơ sở quan trọng giúp địa phương và bà con nông dân hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững. Hiện nay, trên địa bàn phường đã có 160 thùng chứa bao bì thuốc BVTV tại các khu đồng bãi. Từ hiệu quả của mô hình tại phường Cự Khối, nhiều địa phương khác của quận Long Biên cũng học tập và làm theo.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm, phường Cự Khối thu gom và đưa đi xử lý 600 - 700kg vỏ bao bì TBVTV. Theo đó, định kỳ hàng quý, phường thuê Công ty Môi trường xanh đến thu gom và đưa lượng bao bì này đi xử lý tiêu hủy.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần