Thước đo từ những con số

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, tỉnh, TP và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 vừa được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố.

Nhìn vào kết quả có thể thấy những tín hiệu đáng mừng khi nhiều đơn vị đã nỗ lực bứt phá. Người dân “bớt khổ” hơn, DN “bớt phiền hà” hơn. Nhiều thủ tục được rút gọn, minh bạch hóa, hệ thống một cửa - một cửa liên thông, dịch vụ công trực tuyến được triển khai… đã giúp người dân và DN giảm cả thời gian và chi phí.
 Quận Thanh Xuân đẩy mạnh cải cách hành chính trong giải quyết thủ tục tại bộ phận một cửa.

Năm nay, Quảng Ninh đã vượt lên vị trí dẫn đầu. Kết quả ấy không mấy ngạc nhiên khi những năm gần đây, Quảng Ninh là địa phương đi tiên phong trong việc triển khai thí điểm áp dụng các mô hình cải cách mới, mang tính đột phá mạnh mẽ. Còn tại Hà Nội, để vươn lên vị trí thứ hai, TP cũng đã quyết liệt trong chỉ đạo, rà soát, sắp xếp tinh giản thủ tục hành chính (TTHC) trên nhiều lĩnh vực với phương châm “lấy sự hài lòng của DN làm thước đo hiệu quả”. Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong triển khai hệ thống dịch vụ công mức độ 3, 4 đến tận cấp phường, xã. Qua đó, không chỉ giúp người dân, DN thuận lợi trong thực hiện TTHC, còn nâng cao khả năng quản lý, điều hành nhanh chóng, khoa học cho chính quyền cơ sở.

Từ thực tế ấy đã cho thấy, cải cách hành chính (CCHC) không phải là việc “tốn quá nhiều tiền bạc”, mà chỉ cần người đứng đầu quyết tâm và sự vào cuộc tích cực của cán bộ công chức, việc đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng phục vụ hoàn toàn “trong tầm tay”.

Tuy vậy, những con số từ kết quả khảo sát không chỉ cho bức tranh sáng hoàn toàn, vẫn có những điều rất cần suy ngẫm. Như nhìn từ kết quả công bố chỉ số CCHC của 19 bộ, trong khi nhiều đơn vị tăng điểm hoặc giữ vững những vị trí cao như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu), thì chỉ số CCHC của Bộ Y tế lại giảm từ thứ 11/19 (năm 2016) xuống thứ 18. Điều đáng nói đây lại là đơn vị người dân phải thường xuyên tiếp xúc về thủ tục.

Liên quan tới chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính, vẫn cho thấy tình trạng công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu gợi ý nộp chi phí ngoài diễn ra ở cả 63 tỉnh, thành. Các chỉ số cũng chưa tiệm cận mức tuyệt đối khi chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ của cả nước mới đạt gần 78%; hài lòng về công chức đạt 82%; hài lòng về phục vụ hành chính đạt 81%...

Thực tế, người dân và DN vẫn “kêu ca” về các TTHC rườm rà. Tiếng “kêu” này gặp ở nhiều cơ quan khác nhau. Rồi thái độ hành xử thờ ơ, vô cảm của một bộ phận cán bộ khiến người dân “ngại” mỗi khi cần đến cơ quan công quyền. Có ý kiến cho rằng, ở cấp T.Ư, tỉnh, TP thì chỉ đạo đẩy mạnh CCHC rất quyết liệt, nhưng ở cấp thực thi, nhất là cấp chuyên viên, vẫn có một bộ phận chưa có nhiều chuyển biến.

Như Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nói, chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính là tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công. Vì vậy, các cơ quan công quyền luôn phải coi đây là thước đó đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị.

Hy vọng rằng, sau kết quả khảo sát về chỉ số CCHC, mức độ hài lòng lần này, những yếu kém sẽ tiếp tục được khắc phục. Việc thực hiện các TTHC không chỉ dừng ở cụm từ rất quen là “đúng quy trình” nữa mà tiếp tục tiến lên một bước cao hơn là nhanh và gọn. Khoảng cách giữa quyết tâm và thực hiện sẽ được lấp đầy bằng chính sự chuyển động của mọi cán bộ biết lấy yếu tố hài lòng, lo lắng cho người dân và DN là thước đo.