"Thuốc” tốt thu thuế thương mại điện tử

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, cơ quan thuế đã tiến hành “truy vết” với kinh doanh thương mại điện tử để tiến hành thu thuế hoạt động này. Theo đó, nhiều cá nhân buôn bán qua mạng đã thực hiện khai và đóng số tiền thuế khá lớn cho ngân sách Nhà nước.

 Ảnh minh họa
Mới nhất, cơ quan thuế TP Hồ Chí Minh đã thu thuế một cá nhân kinh doanh quần áo qua mạng hơn 500 triệu đồng. Hay 1 nữ giới 28 tuổi sáng tác phần mềm được các ứng dụng Google Play và App Store đăng tải tại địa bàn Cầu Giấy - Hà Nội cũng nộp thuế hơn 23 tỷ đồng.
“Bí kíp” để cơ quan thuế xác định được nguồn thu và yêu cầu các cá nhân có thu nhập “khủng” từ thương mại điện tử (TMĐT) này kê khai và nộp thuế là từ việc "truy vết" trên mạng, qua đó nắm được tên, số tài khoản và truy thông tin từ ngân hàng. Cơ quan thuế cũng thường xuyên phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, nhà mạng cung cấp để có cơ sở dữ liệu thông tin về hoạt động kinh doanh, các cá nhân có thu nhập phát sinh. Trên cơ sở đó, vận động các cá nhân đó tự động kê khai và nộp thuế.

Có thể thấy việc “truy vết” và quản lý dòng tiền là cách mà cơ quan thuế đang triển khai hiệu quả để thu thuế hoạt động kinh doanh qua TMĐT. Tại Dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý thuế đối với hộ và cá nhân kinh doanh mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý, đại diện cơ quan thuế cho biết sẽ làm việc với sàn thương mại điện tử, ngân hàng... để quản lý thuế chặt chẽ hơn đối với những đối tượng kinh doanh thương mại điện tử qua các sàn thương mại để đạt hiệu quả hơn. Phía Tổng cục Thuế cũng cho hay, sẽ thay đổi cách quản lý thuế đối với hộ và cá nhân kinh doanh. Cụ thể, sẽ làm việc với các đầu mối từ tổ chức liên quan và dòng tiền chi trả. Thông tin từ sàn TMĐT sẽ là nguồn tin cậy để cơ quan thuế điều chỉnh doanh thu của người nộp thuế, từ đó thu thuế đúng và đủ hơn.

Trong dự thảo, Bộ Tài chính cũng đề nghị các đơn vị trung gian được yêu cầu khai thông tin và thậm chí nộp thuế thay nếu nắm dòng tiền cho cá nhân và hộ kinh doanh. Như vậy, các sàn TMĐT Tiki, Shopee, Sendo... hoặc các đơn vị giao nhận sẽ có trách nhiệm thông tin cho cơ quan thuế. Bên cạnh đó, các cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook, cơ quan thuế địa phương khai thác dữ liệu công bố trên trang bán hàng, fanpage để xác định danh tính cá nhân kinh doanh online, từ đó có các giải pháp để bảo đảm không thất thu thuế.

Có thể thấy, sự phát triển của công nghệ thông tin đã đặt cơ quan thu ngân sách trước rất nhiều thách thức. Nhưng nếu có quyết tâm và thực sự chuyển động, việc khai thác nguồn thu này là hoàn toàn có cơ sở, để chống thất thu ngân sách và tăng thu, tăng chi cho các hoạt động đầu tư, chi an sinh xã hội và các khoản chi khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần