[Thuốc&Dinh đưỡng] Ăn chay - thực dưỡng trị liệu

BS Nguyễn Phú Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ăn chay đang trở thành một trào lưu trên thế giới, nhất là trong giới trí thức và chuyên gia. Không phải như chúng ta từng nghĩ ăn chay thường dành cho người tu hành, hay bệnh nan y và có thể thiếu chất dinh dưỡng.

Theo thống kê, có khoảng 5% dân số nước Anh và Mỹ ăn chay trường hay ăn chay thường xuyên. Ở nước ta chưa có số liệu chính thức, nhưng có xu hướng tăng dần trong thời gian gần đây.

Ăn chay được phân thành 3 nhóm, nhóm thứ nhất là ovo-lacto gồm rau, đậu, hạt, trứng và bơ sữa; nhóm thứ hai là lacto cũng giống nhóm ovo-lacto nhưng không có trứng; và nhóm thứ 3 là vegan hoàn toàn không ăn đạm động vật. Người Việt hay các Phật tử nước ta ăn chay đa số thuộc nhóm thứ 3.

Một số người bày tỏ ăn chay có thể bất lợi cho sức khỏe của xương. Theo bài viết của GS.TS Nguyễn Văn Tuấn (Australia) có nhận định sức khỏe của xương có lẽ phản ánh chính xác nhất qua mật độ chất khoáng trong xương và tần số gãy xương trong một quần thể. Nhiều nghiên cứu lâm sàng và dịch tễ trên thế giới cho thấy mật độ xương của người ăn chay tương đương mật độ xương người ăn mặn. Một nghiên cứu do các bác sĩ trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, không có sự khác biệt về mật độ xương giữa người ăn chay và ăn mặn.

Rất nhiều nghiên cứu khoa học trong 20 năm qua nói lên ăn chay có lợi cho sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh liên quan đến “hiện đại hóa” như tim mạch, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, ung thư. Chế độ ăn chay sử dụng nhiều rau quả, ít chất béo và cholesterol hơn chế độ ăn mặn. Trong nghiên cứu trên 47.000 người Mỹ, nhóm ăn chay mắc bệnh tim mạch thấp hơn nhóm ăn mặn 20%, giảm nguy cơ tai biến mạch máu não 22%. Một nghiên cứu khác trên 26.000 người Mỹ cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường thấp hơn người ăn mặn 25% vì chế độ ăn chay có chỉ số đường thấp, do đó nó như là một phương pháp thực dưỡng cho người đái tháo đường và rối loạn dung nạp đường huyết.

Trong một nghiên cứu của các nhà khoa học ở Na Uy về ăn chay ảnh hưởng bệnh viêm thấp khớp theo dõi nhóm ăn chay và nhóm ăn mặn trong 12 tháng cho kết quả bệnh viêm thấp khớp của nhóm ăn chay giảm rõ rệt, còn nhóm ăn mặn không thay đổi đáng kể. Dù cơ chế ăn chay ảnh hưởng đến bệnh viêm thấp khớp chưa được hiểu rõ, nhưng nghiên cứu trên khẳng định thực dưỡng ăn chay có lợi cho nhóm bệnh lý này.

Xét về tỷ lệ béo phì trong dân số nước ta ngày càng tăng, trong nghiên cứu tại TP Hồ Chí Minh cứ 3 người trên 40 tuổi thì có 1 người béo phì, tỷ lệ béo phì là 25%. Khi xu hướng hiện đại hóa, người dân ăn nhiều đạm động vật, thức ăn nhanh, đồ béo ngọt, thực phẩm tẩm ướp nhiều phụ gia, màu tổng hợp, dầu mỡ thì tỉ lệ béo phì ngày càng tăng. Béo phì là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch và đái tháo đường. Khi tỉ lệ béo phì tăng kéo theo nhiều bệnh lý đi kèm dẫn đến nhiều gánh nặng cho gia đình và y tế, xã hội. Chế độ ăn chay cung cấp nguồn năng lượng thấp, tiêu hao năng lượng dư thừa tích lũy được khuyên áp dụng điều trị cho bệnh lý béo phì.

Đã đến lúc thay đổi chế độ ăn lành mạnh nhiều rau củ quả, giảm chất đạm động vật nhằm phòng ngừa bệnh cũng như giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, béo phì, tai biến, ung thư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần