[Thuốc&Dinh dưỡng] Bài thuốc kinh điển Bát trân thang

Bác sĩ Nguyễn Phú Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là bài thuốc dùng để điều trị phụ nữ hiếm muộn, vô sinh do khí huyết suy, người xanh xao, thường mệt mỏi, rối loạn kinh nguyệt... Dùng bài thuốc, phụ nữ vừa có thể có thai, vừa nâng cao sức khỏe toàn diện, ăn ngon, ngủ yên.

Bài thuốc gồm: Đương quy 12g, xuyên khung 12g, thục địa 20g, bạch thược 12g, đảng sâm 12g, bạch linh 12g, bạch truật 12g, cam thảo 10g. Hương phụ 12g, ích mẫu 12g, ngải cứu 6g, huỳnh cầm 12g, sâm Cát Lâm 4g, sa sâm 10g, ngưu tất 4g, đại táo 3 trái. Ngoài ra, tùy bệnh có thể gia: hồng hoa, đào nhân, đỗ trọng, tục đoạn, kỷ tử, nhục thung dung... Ngày sắc 1 thang, chia 3 lần uống.
Đây là bài thuốc bổ khí huyết kinh điển, được hợp lại từ hai bài thuốc là bài Tứ quân (tác dụng bổ khí) và Tứ vật (bổ huyết), 2 bài kết hợp lại đều bổ khí lẫn huyết ở hậu thiên đều hư.
Tứ vật là bài thuốc vừa bổ huyết, vừa hoạt huyết (người xưa còn nói bài thuốc này là bài thuốc chuyên để điều huyết “Điều huyết chi chuyên tễ”). Trong bài thuốc có đương quy là bổ huyết, hòa huyết, địa hoàng là bổ huyết tư âm là Quân; bạch thược là dưỡng huyết liễm âm để tăng tính dược của Quân, làm cho chức năng tàng huyết của Can tốt, làm Thần. Xuyên khung có tác dụng hành huyết trong khí làm huyết lưu thông chống huyết ứ trệ cho nên là Tá và Sứ.
Bài thuốc Tứ quân (bổ khí) gồm các vị: Nhân sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo (chích).Bài chủ yếu để bổ khí hoặc kiện tỳ, ích khí. Trong đó, nhân sâm bổ khí, bổ chân khí (nguyên khí), bổ 5 tạng có tính cam ôn nên còn kiện tỳ dưỡng vị là Quân; bạch truật khổ ôn để kiện tỳ vận thấp (hóa thấp) phối hợp với nhau để bổ khí kiện tỳ là Thần; Phục linh cam đạm để thẩm thấp kiện Tỳ giúp bạch truật tăng tác dụng hóa thấp là Tá; cam thảo chích tính cam ôn cũng là bổ khí hòa trung đưa thuốc vào Tỳ làm chức năng điều hòa các vị thuốc giúp nhân sâm ích khí và hòa trung là Sứ. Cho nên bài thuốc này bổ khí kiện tỳ mà không gây thấp trệ tăng lên, cơ thể khỏe hơn. Bốn vị này có tính hòa hoãn, dễ uống, đều làm ăn ngon, bổ khí.
Bài này vừa bổ khí hòa trung, vừa kiện tỳ trừ thấp. Tùy theo mối quan hệ nhân quả của 2 tác dụng của bài này mà dùng. Nhưng tỳ vị chủ hậu thiên là nguồn sinh hóa ra khí huyết cho nên nếu khí hư vẫn phải kiện tỳ còn bổ khí hòa trung là hỗ trợ: hai vấn đề này rất quan hệ mật thiết không thể không kết hợp.
Bát trân từ lâu vẫn nổi tiếng là một bài thuốc có công dụng bồi bổ khí huyết, có tác dụng rất tốt trong việc phòng chống thiếu máu và điều trị các bệnh sản phụ khoa, dùng tốt cho trường hợp rối loạn kinh nguyệt. Trong các trường hợp vô sinh nữ, nhiều người do khí huyết đều hư, sức khỏe suy yếu kinh nguyệt rối loạn… dẫn đến khó có con. Những trường hợp này dùng bài Bát trân rất tốt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần