[Thuốc&Dinh dưỡng] Món ăn - bài thuốc cho người tiểu không tự chủ

TS.BS Võ Trọng Tuân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiểu không tự chủ hay tiểu són ở người lớn tuổi là tình trạng bệnh nhân không kiểm soát được tiểu tiện, dẫn đến việc nước tiểu thoát ra ngoài ở thời điểm và địa điểm không thích hợp.

Tình trạng này tăng theo độ tuổi và ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới chiếm tỉ lệ (2:1) theo thống kê cho đến 80 tuổi.
Tiểu không tự chủ hay niệu thất cấm thuộc về lĩnh vực tiết niệu trong nội khoa y học cổ truyền, được nhắc đến trong các chứng "di niệu", “di nịch”, "bàng quang khái”. Cơ chế liên quan trực tiếp đến bàng quang, thận, tỳ. Do vậy, lựa chọn thực phẩm chú trọng đến nguyên tắc cơ bản liên quan đến cơ chế trên.
Chế độ ăn uống thích hợp: Nên ăn các thực phẩm có hàm lượng vitamin, protein, kẽm cao. Cân nhắc sử dụng với bệnh nhân gout.
 Ảnh minh họa.
Hàu: Mỗi 100g hào chứa 5,3g protein, 2,1g chất béo, 8,2g chất xơ, 0,13mg vitamin B2, 131mg canxi, 7,1mg sắt, 9,39mg kẽm. Hàu có tác dụng dinh dưỡng tốt và có thể được sử dụng để điều trị tiểu không tự chủ do thiếu protein gây căng thẳng bàng quang. Theo y học cổ truyền, hàu vị mặn, vi hàn; quy kinh can, đởm, thận; tác dụng bình can tiềm dương, trọng trấn an thần, thu liễm cố sáp.
Sò điệp: Mỗi 100g sò điệp chứa 11.1g protein, 0.6g chất béo, 11.85mg vitamin E, 0,1mg Vitamin B2, 42mg canxi, 7,2mg sắt. Sò điệp làm tăng chức năng miễn dịch, thúc đẩy sự phục hồi miễn dịch và giúp làm giảm các triệu chứng của tiểu không tự chủ. Theo y học cổ truyền, sò điệp vị ngọt, mặn, tính bình; quy kinh tỳ, vị, thận; dùng thực trị trong các thể thận hư không khí hóa bàng quang, tỳ vị âm hư.
Nấm mực: Mỗi 100g nấm mực (Coprinus comatus) chứa 25,4 g protein, 3,3 g chất béo và 7,3 g chất xơ. Coprinus comatus chứa 20 loại axit amin, bao gồm 8 loại axit amin thiết yếu. Nấm mực có tác dụng dinh dưỡng tốt đối với bệnh lý bàng quang thần kinh. Lượng dùng thích hợp 60g/khẩu phần ăn. Theo y học cổ truyền, nấm mực vị cam, tính bình; quy kinh vị; tác bụng: an miên, tiêu thực, thông tiện, an thần, tư dưỡng tỳ vị. Chỉ sử dụng làm thực phẩm khi nấm còn non và không sử dụng rượu khi ăn.
Chống chỉ định chế độ ăn uống: tránh ăn uống các thực phẩm có chứa caffein (cà phê, trà), rượu và hạn chế các thực phẩm vị cay nồng như tiêu, ớt dễ gây stress thần kinh, ảnh hưởng xấu đến chức năng thần kinh tự chủ, làm xấu đi tình trạng tiểu không tự chủ.
Ngoài việc cân đối các thực phẩm ăn hằng ngày, có thể áp dụng các phương pháp thực trị nâng cao nhằm hỗ trợ điều trị tiểu són trên một số thể bệnh theo y học cổ truyền. Nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi áp dụng.
Trà tam vị: nhãn nhục 15g, toan táo nhân 12g, khiếm thực 10g uống thay trà. Công dụng dưỡng huyết an thần, ích thận cố tinh, hạn chế bài tiết nước tiểu. Trà này thích hợp trên cơ địa người lớn tuổi tiểu són kèm mất ngủ trong bệnh cảnh tâm âm hư tổn, tâm thận bất giao.

Người cao tuổi bị tiểu són đơn độc dùng bạch chỉ sắc nước uống, mỗi ngày 3 lần, bàng quang heo làm sạch, cho lượng gạo vừa đủ ăn, không nêm muối và gia vị, hấp chín ăn khi còn nóng.
Đối với người cao tuổi tiểu són thể thận hư: 2 quả trứng luộc chín, bóc vỏ; nấu chung với 20g hạt dẻ và 4 quả đại táo. Ăn mỗi ngày một lần.