[Thuốc&Dinh dưỡng] Sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách cho trẻ

Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thạc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất kỳ loại thuốc điều trị nào, kể cả thuốc hạ sốt thông thường cho trẻ em cũng phải có chỉ định từ bác sĩ điều trị mới thật sự an toàn cho trẻ.

Trong những trường hợp chưa kịp đưa trẻ đến khám bác sĩ, phụ huynh có thể đến nhà thuốc mua thuốc hạ sốt cho trẻ uống “đỡ” qua lời tư vấn của dược sĩ phụ trách nhà thuốc, hoặc tối thiểu phụ huynh cần đọc thật kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc cho trẻ. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt cho trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Thuốc hạ sốt dùng cho trẻ phải còn hạn sử dụng rõ ràng.
Liều lượng thuốc hạ sốt cơ bản cần dựa trên cân nặng thực tế của trẻ để bảo đảm tính an toàn và hiệu quả hạ sốt nhanh cho trẻ. Cụ thể, trẻ uống đúng liều theo chỉ định là 10mg – 15 mg/kg/lần khi sốt trên 38,5 độ C.
Phụ huynh cần tuân thủ khoảng cách an toàn giữa 2 lần sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ để phòng ngừa tình trạng quá liều lâu dần có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, chỉ lặp lại liều tiếp theo sau 4 giờ nếu trẻ còn sốt, thường dùng 3 - 4 lần/ngày, tổng liều tối đa không quá 60mg/kg/24 giờ.
Các dạng thuốc hạ sốt hiện có trên thị trường gồm 3 loại:
Paracetamol (còn gọi là acetaminophen): Đây là loại thuốc hạ sốt an toàn và hiệu quả dành cho trẻ em. Khoảng cách giữa 2 liều dùng thông thường là mỗi 4 giờ, tuy nhiên trường hợp trẻ bị suy thận, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc tối thiểu phải là 8 giờ.
Ibuprofen: Tác dụng hạ sốt mạnh hơn paracetamol, tuy nhiên việc dùng Ibuprofen phải có chỉ định và sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ vì thuốc hạ sốt dạng này có rất nhiều tác dụng phụ. Liều dùng 20 - 30mg/kg/ngày hoặc 7 - 10mg/kg mỗi 6 - 8 giờ đường uống. Những trường hợp sau này tuyệt đối không được sử dụng Ibuprofen để hạ sốt: Không sử dụng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; không được dùng khi trẻ bị loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, sốt xuất huyết; trẻ bị dị ứng với Ibuprofen, với Aspirin và với các thuốc chống viêm không steroid khác; trẻ bị hen/suyễn hay bị co thắt phế quản, rối loạn chảy máu, bệnh tim mạch, suy gan hoặc suy thận.
Aspirin: Được khuyến cáo không sử dụng cho trẻ em vì những tác dụng bất lợi cho sức khỏe, nhất là những trường hợp trẻ đang bị nhiễm vi rút như bị nhiễm cúm hoặc đang mắc thủy đậu sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye - một biến chứng rất nguy hiểm đối với trẻ, có thể dẫn đến tử vong.
Trên thị trường hiện có 3 dạng thuốc hạ sốt thông dụng được các bậc phụ huynh chọn sử dụng:
Dạng gói bột: Thường có mùi hương thơm của các loại trái cây như cam, chanh, dâu, tắc… nhất là có vị ngọt hợp với sở thích của trẻ, được sử dụng rất tiện lợi chỉ cần pha với nước sôi nguội là có thể cho trẻ uống ngay, hiệu quả hạ sốt nhanh vì dược chất paracetamol dễ dàng được hấp thụ từ dạ dày và ruột vào máu chỉ sau khi uống khoảng 15 - 30 phút. Dạng gói bột được bào chế dưới những hàm lượng thông thường là 80mg, 150mg và 250mg. Tùy theo cân nặng của trẻ chúng ta sẽ tính được khá chính xác liều lượng cần dùng cho trẻ, ví dụ trẻ cân nặng 10kg phụ huynh sẽ cho trẻ uống một gói thuốc bột hạ sốt hàm lượng paracetamol 150mg.
Dạng sirô: Rất dễ sử dụng cho trẻ vì liều lượng thuốc rất dễ lường với hàm lượng thông dụng là paracetamol 80mg/5ml, 150mg/5ml hoặc 250mg/5ml với nhiều mùi vị khác nhau.
Dạng viên đạn (tọa dược nhét hậu môn): Được bào chế với 3 hàm lượng thông thường là 80mg, 150mg và 300mg. Dạng 80mg dùng cho trẻ từ 4 - 6kg, dạng 150mg dùng cho trẻ có cân nặng từ 7 - 12kg và dạng viên đạn 300mg dùng cho trẻ từ 13 - 24kg. Cần lưu ý dạng tọa dược thường có tác dụng hạ sốt chậm hơn dạng uống (gói bột thơm hoặc sirô) khoảng 15 - 20 phút vì khả năng hấp thụ dược chất paracetamol từ trực tràng vào máu sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Khi trẻ có thể uống được thì phụ huynh sử dụng dạng gói bột hoặc si rô hạ sốt pha với nước cho trẻ uống. Ở dạng này thuốc sẽ được hấp thu tốt hơn, hiệu quả hạ sốt nhanh hơn và đạt được độ an toàn cao nhất khi sử dụng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần