“Thượng đế” cũng bị ép!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã từ lâu, người dân ở các tòa nhà chung cư phải "ngậm bồ hòn" với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (internet, truyền hình cáp, điện thoại cố định…) dù họ là "Thượng đế".

Độc quyền cung cấp dịch vụ

Thị trường cung cấp dịch vụ internet, truyền hình cáp… hiện nay có rất nhiều lựa chọn (VNPT, FPT, Viettel, CMC…). Những tưởng sự đa dạng này mang lại nhiều tiện ích cho người dùng, song thực tế với những người dân sống trong các tòa nhà chung cư lại không phải vậy.

 
 Mức phí lắp đặt truyền hình cáp Việt Nam tại khu nhà thu nhập thấp Đặng Xá lên đến 1 triệu đồng/căn hộ.     Ảnh: Thanh Hải
Mức phí lắp đặt truyền hình cáp Việt Nam tại khu nhà thu nhập thấp Đặng Xá lên đến 1 triệu đồng/căn hộ. Ảnh: Thanh Hải
Chị Thu Hằng (Chung cư thu nhập thấp Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, khu nhà chị ở hiện do doanh nghiệp FPT độc quyền cung cấp internet. Phí lắp đặt internet ban đầu là 400.000 đồng, phí lắp đặt truyền hình cáp VCTV là 500.000 đồng. Không đồng tình với mức phí khó hiểu này, chị Hằng muốn đổi nhà cung cấp thì được nhân viên chăm sóc khách hàng của FPT khẳng định "như đinh đóng cột" rằng: "Chị không dùng dịch vụ của bên em thì cũng không dùng được dịch vụ của mạng khác vì FPT là đơn vị đã được chủ đầu tư tòa nhà… chỉ định". "Đã vậy thì tôi hủy không sử dụng mạng internet cố định tại nhà, không lắp truyền hình cáp chuyển sang truyền hình số mặt đất" - chị Hằng bức xúc.

Không riêng chị Hằng, những người dân sống tại Tòa nhà Nơ 14b, Khu đô thị Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng không ít lần bức xúc với đơn vị cung cấp dịch vụ internet độc quyền là VNPT. Được biết, để được lắp đặt mạng internet, các chủ hộ phải trình hộ khẩu tại Hà Nội, nếu muốn thay đổi gói cước dịch vụ thì phải do "chính chủ" đứng tên hợp đồng đến phòng giao dịch của VNPT xin đổi nhà mạng mới chấp nhận. Ngoài ra, người dân ở tòa nhà này cũng chỉ được lắp đường điện thoại cố định của VNPT và chỉ được sử dụng truyền hình cáp Việt Nam (VCTV).
Khách hàng làm thủ tục hòa mạng tại Chi nhánh Viettel Láng Hạ. 	 Ảnh: Thanh Giang
Khách hàng làm thủ tục hòa mạng tại Chi nhánh Viettel Láng Hạ. Ảnh: Thanh Giang
Đỉnh điểm là vụ việc những cư dân ở khu nhà thu nhập thấp Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) mới đây nhất "tố" mức phí lắp đặt truyền hình cáp Việt Nam lên đến 1 triệu đồng/căn hộ, trong khi mức phí của VCTV quy định là 110.000 đồng. Đơn vị độc quyền lắp truyền hình cáp VCTV tại khu nhà này là Công ty CP Thương mại và Đầu tư Gia Trịnh (liên doanh với VCTV). Sự việc chỉ tạm lắng xuống sau khi lãnh đạo chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp Đặng Xá là ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Viglacera khẳng định, giá bán nhà cho các hộ dân hiện nay là giá tạm tính, sau khi chủ đầu tư và Công ty Gia Trịnh làm quyết toán, phần chi phí này sẽ được giảm trừ vào giá chính thức theo quy định của Nhà nước.

Vi phạm luật cạnh tranh?

Theo ông Nguyễn Tiến Sỹ - Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông, Sở TT&TT Hà Nội, việc các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được độc quyền cung cấp dịch vụ trong các tòa nhà chung cư cao tầng là vi phạm luật cạnh tranh, làm tổn hại quyền lợi người tiêu dùng và ngăn cản sự phát triển chung. Ngoài ra, theo Luật Viễn thông, người sử dụng dịch vụ được quyền lựa chọn doanh nghiệp cung cấp. Ngược lại, doanh nghiệp nào có hạ tầng viễn thông phải cho doanh nghiệp khác thuê lại để họ cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của khách hàng. Thông tư liên tịch 01/2007 giữa Bộ TT&TT và Bộ Xây dựng cũng nêu rõ, chủ đầu tư chung cư phải cho bất kỳ doanh nghiệp viễn thông nào có giấy phép được đấu nối đường truyền vào để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông cho biết, về mặt kỹ thuật, các nhà cung cấp có thể sử dụng lại đường dây có sẵn và gắn thiết bị mã hóa là có thể tách thành nhiều đài cho người dân chọn lựa mà không cần xây dựng hay cải tạo hạ tầng, không tốn kém vật tư như cách giải thích của các nhà cung cấp.Như vậy có thế thấy ở rất nhiều dự án chung cư hiện nay, chủ đầu tư và Ban quản lý chung cư đang "bắt tay" riêng với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tạo ra sự độc quyền về dịch vụ. Đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước và Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cần vào cuộc xem xét ngăn chặn tình trạng này, chừng nào các chủ đầu tư còn ưu ái giao cho một đơn vị độc quyền cung cấp dịch vụ thì chừng đó quyền lợi người tiêu dùng còn bị xâm phạm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần