“Thượng đế” không ở trên cao!

Nguyên Đào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Khách hàng là thượng đế”- câu nói này là phương châm kinh doanh của rất nhiều DN, cá nhân, những doanh nhân thành đạt.

Khách hàng nhận được sự phục vụ tận tâm, con đường để DN tiến tới thành công sẽ nhanh, bền vững. Tuy vậy, sự vô trách nhiệm của đơn vị sản xuất, cung cấp nguồn nước sạch từ Nhà máy nước sạch sông Đà đã đánh mất niềm tin và hạ bệ “thượng đế” xuống lớp bùn, dầu.
Những ngày qua, hàng vạn người dân Hà Nội đã bị đảo lộn cuộc sống, lo âu vì có nguy cơ bệnh tật... bởi sự làm ăn tắc trách, vô cảm của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco).
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Là đơn vị sản xuất, bán buôn nguồn nước sạch sinh hoạt cho người dân, biết rõ nguồn nước đầu vào bị vấy bẩn do nhiễm dầu từ ngày 9/10 nhưng hành động ngăn chặn không triệt để dẫn tới từ ngày 10/10, nguồn nước cấp cho người dân sử dụng có mùi lạ.
Đến tận ngày 14/10, khi bị báo chí phanh phui, Viwasupco mới lên tiếng thừa nhận "nước sạch sông Đà nhiễm dầu". Đáng nói, lãnh đạo Viwasupco vẫn khẳng định không giấu giếm thông tin và cho biết đã nỗ lực khắc phục sự cố.
Lý giải nguyên nhân việc chậm báo cáo sự cố, Viwasupco cho rằng do đoàn liên ngành yêu cầu báo cáo nên thời điểm ngày 14/10 mới làm. Thậm chí, khi trả lời báo chí về câu hỏi chất lượng nước không đảm bảo, Công ty có bồi thường thiệt hại cho khách hàng không (?), đại diện Viwasupco có vẻ như đổ lỗi khi cho rằng, công ty là đơn vị bán buôn, còn các công ty nước sạch là đơn vị bán lẻ cho người dân sử dụng.
Xin nói thêm rằng, với sự cố này, ngoài sự thiếu trách nhiệm của Viwasupco, các cơ quan chức năng của Hà Nội cũng chưa thực sự để lại ấn tượng. Trong khi nhiều ban quản lý tòa nhà chung cư phải ra văn bản thông báo về chất lượng nước tới cư dân; một số tự đưa mẫu nước đi xét nghiệm để đảm bảo an toàn cho các hộ dân; Công ty Viwaco - đơn vị mua nước của Viwasupco sốt ruột liên tục gửi văn bản tới Viwasupco và một vài nơi khác, nhưng chỉ nhận được phản hồi không rõ ràng. Vài đơn vị chức năng của TP khi nhận được thông tin sự việc, kịp thời tổ chức đoàn kiểm tra, lấy mẫu nước, xét kiểm nghiệm, song cũng không đưa ra khuyến nghị sớm.
Sự vô cảm ấy thật đáng trách, bởi nó có thể dẫn tới nhiều hệ lụy cho người dân sử dụng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Dư luận rất cần các cơ quan chức năng sớm điều tra, bắt được kẻ đổ trộm dầu ra nguồn nước; sớm làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là Viwasupco.
Sự cố nêu trên là điều không ai mong muốn. Hàng trăm nghìn người dân sử dụng nước hàng ngày có quyền đòi hỏi các bên cung cấp thực hiện nghiêm các cam kết về chất lượng nước theo hợp đồng (chưa nói tới việc khởi kiện đòi bồi thường), bởi họ có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe khi chất lượng nước không đảm bảo. Người dân cũng có quyền đòi hỏi các cơ quan, đơn vị chức năng đưa ra cách xử lý kịp thời có trách nhiệm nhất bởi nó liên quan trực tiếp tới cuộc sống thường nhật.
Nếu DN nào cũng làm ăn vô trách nhiệm như Viwasupco, há chẳng phải coi thường “thượng đế”. Sau vụ việc này, Viwasupco đã mất đi sự tin cậy của hàng vạn người dân đang sử dụng sản phẩm của mình. Và qua đây, đặt ra bài toán cho các cấp, ngành quản lý về “xã hội hóa” đầu tư sản xuất kinh doanh nước sạch để người tiêu dùng có được sự chọn lựa nguồn sản phẩm chất lượng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần