Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thượng đỉnh Mỹ - Triều II tại Hà Nội: "Nam châm" hút truyền thông quốc tế

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước khi hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 bắt đầu diễn ra tại Hà Nội vào 27/2, các nước Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều bày tỏ hy vọng hội nghị này sẽ thành công.

Những cuộc gặp được chờ đợi
Sáng 26/2, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã đến Việt Nam sau cuộc hành trình dài hơn 4.000km, bắt đầu chuyến công du đến Việt Nam và sau đó tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội với Tổng thống Donald Trump trong bối cảnh thế giới đang tìm kiếm tiến bộ cụ thể về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
 Sáng 26/2, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã đến Việt Nam sau cuộc hành trình dài hơn 4.000km.
Chuyến tàu chở nhà lãnh đạo này đã vào ga Đồng Đăng của Việt Nam vào lúc 8 giờ 13 phút. An ninh được thắt chặt tuyệt đối với rất nhiều binh sĩ và cảnh sát được vũ trang nghiêm ngặt bảo vệ địa điểm này.
Tổng thống Donald Trump đến Việt Nam trên chiếc Air Force One và đến Hà Nội vào tối 26/2.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Hà Nội tối ngày 26/2 để chuẩn bị tham dự cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.
Trong ngày 27/2, Tổng thống Trump sẽ có cuộc gặp gỡ với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào lúc 11h.
Ngày 26/2, Nhà Trắng đã chính thức thông báo, hội nghị Thượng đỉnh giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ diễn ra tại khách sạn Metropole ở Hà Nội, và hai người sẽ có bữa ăn riêng với nhau vào ngày 27/2.
Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Trump sẽ gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại khách sạn Sofitel Metropole Legend trên phố Ngô Quyền vào lúc 18h30 (giờ Hà Nội) tối ngày 27/2.
Dự kiến hai nhà lãnh đạo sẽ có buổi nói chuyện riêng kéo dài 20 phút, và sau đó ông Trump và ông Kim sẽ tham dự bữa ăn tối cùng các phụ tá trong vòng hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney cũng tham dự bữa tiệc tối này. Ông Kim Jong Un cũng sẽ có hai trợ lý đi cùng, và sẽ có người phiên dịch cho cả hai bên
Sang ngày 28/2, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có thể sẽ dành một ngày để thảo luận với nhau tại Metropole và có thể sẽ đưa ra một tuyên bố chung vào chiều cùng ngày.
Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim được cho sẽ tập trung thảo luận về thỏa thuận mà hai nhà lãnh đạo đã đạt được trong hội thượng đỉnh lần đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6/2018.
Theo nguồn tin từ Nhà Trắng, tại hội nghị lần này, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim sẽ có thời gian gặp gỡ lâu hơn hội nghị lần đầu tiên tại Singapore, để giải quyết các vấn đề chính. Tại cuộc gặp lần đầu tiên hồi tháng 6/2018, hai ông Trump và Kim có 5 giờ gặp gỡ, trong đó có một cuộc gặp riêng và một số cuộc gặp mở rộng khác.
Thế giới kỳ vọng cao vào kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2
Trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 bắt đầu diễn ra tại Hà Nội vào 27/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ hy vọng hội nghị này sẽ thành công.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 26/2 bày tỏ hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ có một "bước tiến mới" hướng tới phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
 Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 26/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định tất cả các nước trên thế giới, gồm cả Trung Quốc, hy vọng rằng Triều Tiên và Mỹ sẽ tiếp tục kiến tạo những tiến triển chắc chắn về việc phi hạt nhân, hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, trên cơ sở những kết quả mà hai bên đã đạt được.
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng hy vọng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sẽ đạt được những tiến triển tích cực và giải quyết được tổng thể nhiều vấn đề, đặc biệt là về hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng…
Cũng trong ngày 26/2, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom cũng bày tỏ kỳ vọng vào những tiến triển có thể đạt được trong hội nghị Thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un.
Theo ông Kim Eui-kyeom, lịch trình dày đặc trong hai ngày họp, theo đó, hai nhà lãnh đạo có thể gặp trực tiếp nhau trong ít nhất 5 lần có thể mang lại tiến triển lớn.
Ông Kim cũng nhắc lại khả năng Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể ra tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) tại hội nghị này.
Tại Nga, dư luận nước này đang tỏ ra lạc quan về hội nghị Thượng đỉnh lần 2 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Phát biểu với báo giới trong ngày 26/2, thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitri Peskov tuyên bố, Nga sẵn sàng chào đón kết quả của hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên, diễn ra trong ngày 27-28/2 tại Việt Nam. 
Tuy nhiên, ông Peskov nêu rõ, với điều kiện hai bên đạt được tiến bộ trong giải quyết vấn đề hạt nhân ở khu vực và giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Theo người phát ngôn Peskov, cả cộng đồng thế giới đều nhận thấy những “ dấu hiệu tháo ngòi” từ kết quả Hội nghị Thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên ở Singapore vào tháng 6/2018. Mặc dù ở các nước khác nhau có những sự bất đồng trong cách tiếp cận tình hình, nhưng tất cả đều hội tụ ở một điểm, đó là cần đạt được an ninh và ổn định thực sự cho Bán đảo Triều Tiên và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
 thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitri Peskov.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói rằng, Nga hoan nghênh quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên và hy vọng cuộc gặp sẽ thành công. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhận định, Việt Nam được lựa chọn để tổ chức cuộc gặp này vì Việt Nam hiện đang tiến hành chính sách đối ngoại rất có trách nhiệm, là đất nước cởi mở cho hợp tác với tất cả các bên. Bầu không khí thân thiện tại Việt Nam cũng rất thuận lợi cho các cuộc đàm phán chính trị.
Trong khi đó, trước thềm hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, trên nhiều trang báo quốc tế đã đăng tải những đánh giá, nhận định tích cực của giới phân tích về kết quả có thể đạt được tại cuộc đàm phán quan trọng này cho tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, có khả năng hai bên sẽ ra thông báo chính thức đạt được một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia một tuyên bố như vậy chỉ mang tính biểu tượng và cũng chưa giải quyết ngay được những vấn đề cốt lõi giữa hai nước.
Mặc dù vẫn còn nhiều hoài nghi cũng như những dự đoán khác nhau về khả năng kết quả của cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, nhưng điều chắc chắc rằng, cũng tương tự cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore, hội nghị thượng đỉnh lần này tại Hà Nội là cơ hội “vàng” để hai bên tiếp tục đàm phán, xây dựng lòng tin, thiết lập một mối quan hệ, và hướng tới một mục tiêu chung, vì hòa bình không chỉ trên Bán đảo Triều tiên mà cho cả khu vực và trên thế giới.