Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Cuộc gặp của tính cách đối lập

Lan Hương (Theo BBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự tương phản rõ rệt giữa tính cách cẩn trọng, tỉ mỉ của ông Putin và không theo nguyên tắc của ông Trump được các học giả lưu ý.

Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama cho biết, ông Putin thường chuẩn bị rất tốt cho các cuộc họp như thế này.
“Ông ấy biết ông ấy cần gì. Ông ấy chuẩn bị tâm lý trước và suy nghĩ về những điểm mạnh, điểm yếu của người mà ông ấy gặp”, ông McFaul nói.
 Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Trump tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.
William Pomeranz, một chuyên gia về các vấn đề của Nga tại Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson, cho biết, cuộc họp được xem như một cơ hội để Tổng thống Nga tác động đến ông Trump.
Điều ông Putin sở hữu là khả năng kết nối các yêu cầu, hiểu biết tốt về những gì ông có thể có từ các cuộc họp, chuyên gia tại trung tâm Woodrow Wilson lý giải.
Các chuyên gia cho rằng, hội nghị thượng đỉnh lần này có thể giúp Tổng thống Nga đạt được những mục tiêu chiến lược dài hạn, như sự tán thành đối với quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, ủng hộ chính sách giữ Tổng thống Bashar al-Assad nắm quyền tại Syria và chấm dứt nỗ lực mở rộng NATO.
Ông Pomeranz nói rằng tính cách không thể đoán trước của ông Trump và thói quen nói chuyện cởi mở sẽ là những mối lo ngại đối với các quan chức Washington.
Ông Trump từng từ chối lời khuyên của các cố vấn riêng để chúc mừng ông Putin khi ông giành chiến thắng nhiệm kỳ Tổng thống thứ 4.
Ngay cả trước cuộc họp thượng đỉnh, ông Trump đã lên tiếng ủng hộ cho một mục tiêu khác của ông Putin: tiếp nhận trở lại nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) sau khi bị loại khỏi nhóm bởi việc sáp nhập Crimea.
 “Tôi nghĩ khả năng là ông Trump sẽ đi chệch ra ngoài kịch bản được chuẩn bị trước”, ông Pomeranz nói.
Luôn luôn có một nguy cơ rằng Tổng thống Mỹ sẽ hứa hẹn một điều gì đó mà các cố vấn của ông không muốn đưa ra, ông nói thêm.
Sau hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố dừng các cuộc tập trận với Hàn Quốc trong khi giới chức Seoul chưa từng biết đến quyết định này.
Một mục đích khác của Nga, khẳng định vai trò của nước này trên trường thế giới, cũng có khả năng sẽ đạt được khi hai nhà lãnh đạo đứng chung trong hội nghị thượng đỉnh, gợi lên ấn tượng về sự cân bằng quyền lực trong nửa sau của thế kỷ 20.
Trong khi đó, hình ảnh ông Putin và ông Trump bắt tay nhau sẽ nâng cao mối quan ngại của châu Âu, Jorge Benitez, thành viên cao cấp tại Trung tâm chiến lược và an ninh Scowcroft, nhận định.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng người châu Âu đã lo lắng về cuộc họp này kể từ khi ông Trump trở thành tổng thống, lo sợ rằng ông Trump sẽ thân thiết với ông Putin đến mức nào".