Thương hiệu quốc gia: Khẳng định uy tín hàng Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) với mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ có chất lượng cao cùng các giá trị “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong”.

Thương hiệu quốc gia: Khẳng định uy tín hàng Việt - Ảnh 1Nhưng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, để xây dựng được THQG bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước cũng đòi hỏi sự nỗ lực của chính các DN, hiệp hội ngành hàng.

Từ năm 2008 đến nay, cứ 2 năm một lần, Chương trình THQG chọn ra những DN đạt tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn ở đây dựa trên những tiêu chí nào, thưa ông?

- DN và sản phẩm muốn đạt THQG phải đáp ứng nhiều tiêu chí khác nhau, trong đó có 6 tiêu chí chủ lực. Thứ nhất là kết quả của quy trình sản xuất và quản trị kinh doanh hiện đại, đáp ứng các yêu cầu, quy định của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong từng thời kỳ. Thứ hai là sản phẩm được sản xuất và cung ứng bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên vật liệu trong nước, có khả năng xuất khẩu và thay thế sản phẩm nhập khẩu. Thứ ba là chất lượng sản phẩm được đảm bảo bằng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và được công nhận theo các quy định hiện hành. Thứ tư là thiết kế và công năng sử dụng có tính ưu việt và sáng tạo. Thứ năm là thương hiệu sản phẩm được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và được sở hữu bởi các DN, tổ chức kinh doanh thành lập tại Việt Nam. Thứ sáu là DN có chiến lược xây dựng, phát triển bảo hệ thương hiệu, có bộ máy chuyên trách quản trị thương hiệu và sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường nội địa và kim ngạch xuất khẩu.

Đây là những tiêu chí hết sức cao. Sau 4 lần bình chọn chỉ có 190 DN và sản phẩm được mang biểu trưng THQG. Cụ thể, năm 2008 là 30 DN, năm 2010 là 43 DN, năm 2012 là 54 DN, năm 2014 là 63 DN. Trong đó nhiều DN liên tiếp đạt giải thưởng trong nhiều năm. Có thể khẳng định những DN và sản phẩm mang THQG là hàng Việt Nam chất lượng cao.

Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), vậy ông có đánh giá như thế nào về vấn đề xây dựng của thương hiệu của Việt Nam?
Xác lập định hướng chiến lược
Hiện, trên thế giới có khoảng 80 nước đã và đang xây dựng chương trình THQG. Nói về THQG không chỉ nói về thương hiệu một sản phẩm mà còn có nhiều yếu tố khác như uy tín, sản phẩm, thương hiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ, thể chế…, nhất là khai thác giá trị văn hóa bản địa. THQG được coi là chứng nhận về nguồn gốc xuất xứ, đồng thời chứng nhận uy tín chất lượng sản phẩm từ quốc gia đó.
Để làm được điều này, các DN và địa phương cần xác lập định hướng chiến lược cho chương trình THQG. Trong đó cần thiết đánh giá lại hình ảnh đại diện của quốc gia, DN bởi những yếu tố hấp dẫn cũng như xác định đối thủ cạnh tranh và nguy cơ đe dọa, phát hiện xu hướng phát triển cũng như xác định được điểm mạnh và điểm yếu trong từng lĩnh vực cụ thể.
PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh Trường Đại học Thương mại (cố vấn cho Chương trình THQG)

- Việc xây dựng và quảng bá thương hiệu đối với sản phẩm trong một thị trường cạnh tranh đã là yêu cầu thiết yếu và ngày càng có giá trị quan trọng đối với việc khẳng định giá trị DN và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng, việc tham gia thực hiện các thỏa thuận FTA, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... yêu cầu đối với việc phát triển thương hiệu trong một thị trường cạnh tranh càng trở nên cấp thiết hơn. Việc xây dựng THQG sẽ tạo điều kiện để nâng cao giá trị xuất khẩu của các hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, đồng thời đảm bảo tính bền vững khi tham gia cạnh tranh tại thị trường quốc tế. THQG không chỉ phục vụ cho quá trình cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà ngay cả thị trường trong nước, việc xây dựng và khẳng định thương hiệu sản phẩm cũng mang giá trị và ý nghĩa không hề nhỏ.

Vừa qua, các chuyên gia nước ngoài cho biết, định giá thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2015 chỉ còn 140 tỷ USD, giảm 19% so với năm trước. Ông có ý kiến gì về kết quả này?

- Đánh giá của các chuyên gia quốc tế dựa trên những nguồn thông tin mà họ tiếp cận, do vậy đôi khi không hoàn toàn sát với thực tế Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam mới tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nên nếu so với các nền kinh tế có hàng trăm năm lịch sử xây dựng kinh tế thị trường thì chúng ta còn rất mới. Đặc biệt, trong điều kiện chương trình THQG được Chính phủ phê duyệt và giao cho Bộ Công Thương thực hiện mới bước sang năm thứ 13. Do vậy khả năng hỗ trợ để DN trong nước thực sự lớn mạnh và có được tiếng vang lớn trên thị trường thế giới cũng còn hạn chế và điều đó cũng là điều khó có thể tránh khỏi.

Nông sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng đến thời điểm này, thương hiệu cho nông sản vẫn còn bỏ ngỏ. Đâu là nguyên nhân, và chúng ta phải làm gì?

- Chương trình THQG mà Chính phủ giao cho Bộ Công Thương thực hiện nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nói chung, trong đó có nhóm các sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, sản phẩm nông sản trong nước hiện vẫn mang đặc thù phân tán khiến việc xây dựng thương hiệu chung còn khó khăn. Trong khi về mặt chủ quan, DN trong nước vẫn thiếu kiến thức về thương hiệu nên vẫn đang phải vừa làm vừa hoàn thiện. Các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là DN vừa và nhỏ nên tài chính hạn chế trong khi các chi phí dịch vụ về quảng cáo, tư vấn, xây dựng thương hiệu đều rất cao… Điều này khiến nhiều DN không thực hiện được các chương trình xây dựng, quảng bá thương hiệu có quy mô lớn và lâu dài.

Vậy trong thời gian tới, Bộ Công Thương có những hỗ trợ gì cho các DN?

- Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực, cụ thể hơn. Trong đó, tập trung hỗ trợ nâng cao nhận thức về công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu tại thị trường trong nước và nước ngoài. Chẳng hạn, với mặt hàng nông sản, Cục Xúc tiến thương mại sẽ ưu tiên hỗ trợ cho những DN trong lĩnh vực nông, thủy sản trong quá trình tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và đặc biệt là gắn với việc xây dựng, quảng bá thương hiệu của chính các sản phẩm đó. Đồng thời phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để giúp các DN trong lĩnh vực nông sản xây dựng, đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm. Mặt khác, sẽ tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hỗ trợ chia sẻ thông tin, kết nối với hệ thống các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để giúp các DN đạt danh hiệu THQG Việt Nam có điều kiện phát triển và quảng bá thương hiệu của mình…

Tuy nhiên, trong khi điều kiện đầu tư của Nhà nước còn hạn chế thì việc tham gia chủ động, tích cực của các DN là điều kiện tiên quyết để chương trình THQG đạt kết quả. Muốn làm được điều này, DN phải thực sự quyết tâm. Vì sản phẩm khi đạt THQG sẽ giúp cho DN trong việc quảng bá, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác. Đồng thời tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa cũng thuận lợi hơn, đặc biệt là khi kết hợp với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Xin cảm ơn ông!
Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư - TS Bùi Thế Đức:
Thiếu truyền thông khó quảng bá hàng Việt
Thương hiệu quốc gia: Khẳng định uy tín hàng Việt - Ảnh 2Cần nhìn nhận một thực tế là công tác phát triển hình ảnh và THQG ở Việt Nam hiện còn nhiều bất cập. Điều này có nguyên nhân không nhỏ bắt nguồn từ nhận thức và sự quan tâm chưa đầy đủ của các cấp, các ngành và DN. Chính vì thế, mặc dù đã hội nhập kinh tế thế giới nhưng nhiều loại hàng hóa Việt Nam vẫn phải thông qua trung gian hoặc gia công cho các thương hiệu nước ngoài để xâm nhập các thị trường.
 Từ thực tế trên, để xây dựng THQG cần thiết phải quan tâm đến công tác truyền thông. Qua đó giáo dục ý thức tự tôn, lòng tự hào, tự trọng của dân tộc. Cụ thể, báo chí cần tuyên truyền cho các tầng lớp Nhân dân, DN và doanh nhân nhận thức được cần phải có tầm nhìn mới, trách nhiệm xã hội mới trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng thời thông qua công tác truyền thông cung cấp kiến thức về THQG, xây dựng và bảo vệ THQG; Giúp các DN Việt Nam nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, phát triển, bảo vệ thương hiệu; Tăng cường liên kết và phối hợp hoạt động của các cơ quan, tổ chức, DN, hiệp hội DN… nhằm gia tăng hiệu quả hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Đồng thời, DN, doanh nhân ý thức sâu sắc mình là người Việt Nam nên phải có trách nhiệm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao mang thương hiệu Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương - ông Đỗ Kim Lang:
Xây dựng hình ảnh đất nước
Thương hiệu quốc gia: Khẳng định uy tín hàng Việt - Ảnh 3Mục đích đầu tiên của chương trình THQG là xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có uy tín hàng hóa đa dạng, dịch vụ chất lượng cao, thông qua hàng hóa, dịch vụ. Mục đích thứ hai là nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ thị trường trong nước và khuyến khích xuất khẩu qua chế biến, giảm tỷ trọng hàng xuất khẩu nguyên liệu thô; Tăng cường nhận biết của nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao. Cuối cùng là xây dựng hình ảnh hàng Việt gắn với các giá trị chất lượng, đổi mới sáng tạo, tăng uy tín đối với hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam. Hoạt động này nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, du lịch vì THQG.
Giám đốc truyền thông và phát triển thương hiệu Eurowindow - bà Vương Bích Thu:
Không đơn thuần là thương hiệu của doanh nghiệp
Thương hiệu quốc gia: Khẳng định uy tín hàng Việt - Ảnh 4Với việc hai lần liên tiếp đạt được THQG đã giúp Eurowindow nhận thức hơn được vấn đề thế nào là giá trị của thương hiệu. Tuy nhiên, trong thời gian tới, thay vì chỉ Cục Xúc tiến (Bộ Công Thương) phối hợp với DN thực hiện, DN cũng kiến nghị các bộ, ngành khác cùng vào cuộc đưa ra những cơ chế, chính sách, tạo sân chơi kết nối DN với nhau. Đồng thời, khi DN đạt THQG phải được ưu tiên, có được cơ hội tham gia thầu các dự án Nhà nước, từ đó mới khuyến khích các DN xây dựng thương hiệu, từ đó vươn ra thế giới. Đặc biệt, để ngăn chặn vấn nạn hàng nhái, hàng giả hiện đang ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN chân chính, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách và biện pháp nghiêm khắc hơn với những DN đã vi phạm, đồng thời răn đe những DN khác có ý định tương tự, tạo ý thức, tư duy kinh doanh thực chất trong mỗi con người Việt Nam, khi đó xã hội mới phát triển.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần