Thương lắm Tà Ghênh

Đàm Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đêm nay các con được ngủ ấm rồi!”.Nhìn những chiếc chăn bông siêu nhẹ được chuyển đến sân trường, một giáo viên Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tà Ghênh (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) không giấu nổi vui mừng reo lên!

Tiếng reo khiến các thành viên đoàn công tác xã hội từ thiện của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Trung tâm) không khỏi chạnh lòng! Nơi này còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn!
 Dừng nghỉ giữa đèo.
Chuyến đi đặc biệt

5 giờ sáng một ngày đầu năm 2019. Hà Nội rét buốt, nền nhiệt trên dưới mười độ. Dưới mưa, trời tối đen. Trên Đại lộ Thăng Long một đoàn xe ô tô 5 chiếc đều bật đèn cảnh báo nguy hiểm nối đuôi nhau lao vun vút hướng Hà Nội đi Ba Vì. Qua vòng xoay lối rẽ vào Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, đường nhỏ hẹp, tốc độ đoàn xe chậm lại. Qua bộ đàm, người trên xe chạy đầu (xe dẫn - PV) thông báo “Đường hẹp! Có bộ đội hành quân ven đường! Các xe chú ý!” Chừng 5 phút sau, giọng người trên xe đi cuối (xe chốt- PV) “Chốt đã qua đội hình bộ đội! Hết!”. Một lúc sau trong bộ đàm vang lên “Tải lớn ngược!” (có xe tải lớn đi ngược chiều- PV). “Anh em chú ý! Trời sáng, người dân đi chợ, 5 xe máy cồng kềnh cùng chiều”. “Hai tải đỗ cùng chiều”. “Ổ gà giữa đường”. Xe dẫn luôn thông báo mọi tình huống, chướng ngại vật trên đường cho các xe sau chủ động xử lý không để xảy ra sự cố. Thỉnh thoảng “Khẩn trường dồn đoàn chuẩn bị vượt hai tải!”. “Đường thoáng, anh em vượt!”. “Chốt đã vượt!”. “Cảm ơn chốt!”. Cứ như vậy, đội hình 4 xe bán tải thùng chất đầy hàng và 1 xe 16 chỗ luôn bám sát, chạy với nhịp độ rất khẩn trương.
 Dừng nghỉ giữa đèo
Hơn 7 giờ sáng, xe dẫn thông báo đã đến khu vực “đồi chè” thuộc huyện Thanh Sơn, Phú Thọ cả đoàn dừng nghỉ ăn sáng. Những chiếc bánh mỳ, những gói xôi chuẩn bị từ nhà được vội vã bày ra mấy chiếc bàn nhựa của quán nước ven đường. Cả đoàn khoảng hai chục người, người đứng, người ngồi nắm xôi, bẻ bánh mỳ ăn ngon lành. Để đảm bảo lịch trình chuyến đi, việc dừng nghỉ ăn sáng cũng khẩn trương như lúc chạy xe trên đường. Chủ tịch chi hội CCB Trung tâm Nguyễn Hồng Sơn tranh thủ lúc mọi người đang ăn phổ biến lịch trình tiếp của chuyến đi. Đoàn chạy theo đường QL32 đi Thu Cúc rồi vượt Đèo Khế đến Thị xã Nghĩa Lộ của tỉnh Yên Bái.
 Đường lên bản
Theo kế hoạch, đoàn phải có mặt tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải lúc 13h30 vì còn thời gian vận chuyển hàng hóa từ điểm tập kết vào điểm trường khoảng hơn 1km đường dốc khó đi. Khoảng ba mươi phút sau, đoàn xe tiếp tục lên đường.
Trên xe, Phó Giám đốc – Chủ tịch Công đoàn Trung tâm Lê Lưu Cầu cho biết, đây là hoạt động thường niên của Trung tâm được duy trì từ nhiều năm nay. Với tên gọi “Đưa Tết lên bản” nhóm thiện nguyện “Khuyến nông Hà Nội & Những người bạn” hoạt động dưới sự bảo trợ của Công đoàn, Chi hội CCB Trung tâm hàng năm đều tổ chức các chuyến tặng quà cho học sinh và bà con vùng dân tộc còn nhiều khó khăn. Năm nay, sau khi thống nhất với Ban giám hiệu Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiều học Tà Ghênh, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải về các vật dụng thiết thực phục vụ học tập và sinh hoạt của thầy và trò, Trung tâm đã vận động được một lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm trị giá hơn 100 triệu đồng tặng thầy trò nhà trường. Để có được kết quả ấy, ngoài sự đóng góp của cán bộ, CNVC, NLĐ Trung tâm là sự chung tay đồng hành của nhóm hoạt động xã hội “Khơi ấm mùa Đông”, một nhóm hoạt động thiện nguyện có uy tín từ nhiều năm nay hỗ trợ kết nối và tổ chức. “Anh thấy đấy,cả 4 chiếc xe bán tải chở hàng đều của anh em nhóm “Khơi ấm mùa Đông” tự nguyện hỗ trợ phục vụ chuyến đi. Trước đó, anh em cũng là người lên trường Tà Ghênh khảo sát và thống nhất kế hoạch cho chuyến đi hôm nay” ông Cầu nói.
 Đường vào điểm trường.
Nhờ cách tổ chức chuyên nghiệp, khoa học, nên mặc dù đường đèo quanh co, nhiều cua tay áo nhưng đoàn xe di chuyển nhanh và an toàn. Đúng 13h00 đoàn có mặt tại đầu cầu treo nhỏ cách điểm trường hơn 1km. Tại đây, đã có một đội hơn chục chiếc xe máy của các trai bản, thầy giáo nhà trường chờ sẵn chở hàng. Đoàn xe vừa dừng lại,các kiện hàng được hạ xuống chuyển sang xe máy. Tất cả mọi việc được thực hiện rất khẩn trương. Cũng may, thời tiết đẹp, trời không mưa nên đường vào trường không đến nỗi quá khó đi.
 
Đêm nay các con được ngủ ấm rồi…

Điểm trường Tà Ghênh hôm nay như ngày hội. Trong sân trường, dưới mái tôn do Trường THPT Ngọc Hồi huyện Thanh Trì TP Hà Nội và các nhà hảo tâm vừa mới xây tặng, 259 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đã có mặt đầy đủ. Các em ngồi ngay ngắn, thẳng hàng đồng thanh hát theo sự bắt nhịp của cô giáo. Trời lạnh, mặc dù đã được mặc quần áo tươm tất hơn ngày thường nhưng tất cả các em đều chân trần trong những đôi dép tổ ong đã cũ. Bên ngoài, rất đông cha mẹ học sinh là người dân tộc H’mông từ các bản, làng xung quanh biết tin cũng đến. Theo Hiệu trưởng nhà trường cô Trương Nữ Thu Hằng, trường còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cả trong sinh hoạt và học tập. Đặc biệt, sau trận lũ quét tháng 8/2017 cơ sở của trường bị tàn phá nặng nề mọi vật dụng sinh hoạt và đồ dùng học tập hầu như không còn. Ngay trong ngày khai giảng năm học mới, tất cả các thầy cô vẫn phải xắn quần, bắt tay xúc bùn, đất, chằng buộc lại các phòng học cho kín gió...
 Tặng quà học sinh Tà Ghềnh
Anh Tráng A Tủa bản Nùng Cúng, một bản cách điểm trường khoảng 24km hôm nay bỏ việc xuống trường thăm con. Anh kể, mình 32 tuổi có hai con, cháu lớn 11 tuổi đang theo học tại trường. Thường thường, cứ hai tuần gia đình đón các cháu về nhà chơi một lần. “Vui lắm! Các con được đi học cái chữ mà nhà mình cũng không phải đóng góp gì. Thương con thì mỗi năm cho nhà trường mấy chục cân củi đốt sưởi thôi!” Tráng A Tủa nói. Điểm trường Tà Ghênh có 28 cán bộ, giáo viên tuổi đời đều còn trẻ. Người lớn tuổi nhất năm nay cũng mới 48 tuổi. Theo các giáo viên của trường, sự thiếu thốn, vất vả của giáo viên vùng cao thì nhiều ... như lá rừng. Không chỉ thiếu thốn về cơ sở, vật chất, sự động viên về tinh thần trong những ngày đáng nhớ trong năm như ngày 8/3, ngày 20/11 mà họ còn phải hy sinh nhiều hơn thế cho một hành trình gieo con chữ ở vùng cao. Cô giáo Trần Thị Nhung sinh năm 1990 quê gốc Thái Bình đã có 8 năm công tác tại Tà Ghênh kể về một kỷ niệm không thể nào quên ở điểm trường cũ Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiều học Vừa A Dính. Hôm ấy, sau khi ăn tối, các thầy cô kiểm tra thấy thiếu 4 em, trong khi quanh trường đều rào kín bằng lưới B40. Nhà trường huy động toàn bộ nhân lực đốt đuốc đi tìm khắp mọi nẻo đường nhưng không thấy. Trong lúc đi tìm, thầy Hiệu phó không may trượt chân ngã xuống khe núi trật khớp chân. Thế là tất cả các thầy cô vừa phải cứu người bị ngã, vừa tiếp tục đi tìm học sinh. Đến khoảng hai giờ sáng, đến một chòi trông rẫy của bà con thì thấy 4 đứa trẻ đang nằm ngủ ngon lành. Về sau các con kể, do biết tuần ấy gia đình không đến đón nên từ giữa tuần, bọn trẻ đã bảo nhau dùng que đào một lỗ dưới chân rào B40. Ăn cơm tối xong, lợi dụng lúc các thầy cô dọn dẹp, 4 đứa trẻ rủ nhau chui qua cái lỗ đó ra ngoài định tìm đường về nhà. Thế nhưng đêm tối, bọn trẻ còn nhỏ lại không biết đường nên nên cứ đi loanh quanh đến lúc mệt quá thì chui vào chòi canh nương nằm làm cả trường một đêm mất ngủ!

Rồi những người có con nhỏ mới chỉ mươi tháng đã phải để gia đình chăm sóc, còn mình phải ở lại trường chăm cho học sinh từ miếng ăn, giấc ngủ. Khi học sinh về nhà không đến trường, thầy cô lại phải đến tận nhà vận động bố, mẹ đưa con đi học mà đường đi nào có gần, nhiều bản hai ba chục cây số, đường dốc khó đi. Ngày nắng ráo còn đỡ, phải ngày mưa đường trơn bánh xe phải cuốn xích mới leo được đường đồi. Những lúc ấy, thường phải đi hai người để còn đẩy xe...Cực khổ, vất vả, thiếu thốn đủ điều cả vật chất và tinh thần là tình trạng chung của các thầy cô giáo nơi vùng cao này. Thế nên việc các đoàn công tác xã hội từ thiện đến với trường là một sự động viên vô cùng quý báu đối với cả thầy và trò nhà trường. Ngoài sự hỗ trợ vật chất, sự có mặt của các nhà hảo tâm còn là sự ghi nhận, động viên, sẻ chia những khó khăn vất vả của người thầy đang ngày đêm miệt mài gieo từng con chữ. Chỉ vậy thôi đã là động lực vô bờ để các thầy cô quên đi bao khó khăn thiếu thốn hàng ngày vững tâm đứng trên bục giảng. Chả thế, khi thấy những chiếc chăn bông siêu nhẹ được đoàn chuyển đến, một cô giáo đã nghẹn ngào thốt lên “Đêm nay các con được ngủ ấm rồi!”

Một chiếc chăn giữa mùa đông giá lạnh sẽ giúp các em được yên giấc theo đuổi ước mơ học được con chữ. Một chiếc chăn cũng giúp các thầy cô nơi đây mùa đông này thêm ấm lòng! 

Trong hai ngày 8-9/01/2019 đoàn công tác xã hội từ thiện của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và đại diện nhóm “Khơi ấm mùa Đông” đã trao tặng trường Tà Ghênh số quà gồm 02 máy tính xách tay; 02 cây lọc nước; 02 bộ loa kéo di động; 270 chăn bông siêu nhẹ; 300 bộ khay ăn (gồm khay, thìa, cốc i nốc); 3000 cuốn vở viết; 300 cuốn truyện tranh, 400 suất quà gồm bánh, kẹo, sữa...nhiều bộ quần áo mưa,khăn, cavat bằng lụa Hà Đông...tổng số khoảng hơn 100 triệu đồng. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần