Thương mại, đầu tư, du lịch Việt - Mỹ: Cơ hội nhiều, tiềm năng lớn

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ là nền kinh tế số 1 thế giới, đồng thời cũng là đối tác đứng hàng đầu về xuất khẩu, xuất siêu, kiều hối, là đối tác quan trọng về đầu tư, du lịch của Việt Nam.

 Kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Thanh Hải

Thị trường rộng mở
Các chỉ số thống kê cho thấy xuất khẩu, xuất siêu, kiều hối, vốn đầu tư trực tiếp, khách từ Mỹ đến Việt Nam trong năm 2018, 10 tháng đầu năm 2019 đều tăng.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có quy mô lớn nhất trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam (năm 2018 chiếm 19,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, 10 tháng 2019 chiếm 23%). Các tỷ trọng này cao hơn nhiều so với thị trường lớn thứ 2 (Trung Quốc năm 2018 chiếm 17%, 10 tháng 2019 chỉ còn chiếm 15%). Trong các thị trường xuất khẩu vào Mỹ năm 2018, Việt Nam đứng thứ 12 (sau Trung Quốc, Mehico, Canada, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Anh, Ailen, Italia, Ấn Độ, Pháp). Khả năng năm 2019, Việt Nam có thể vượt qua Ailen và Italia lên đứng thứ 10.
So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu sang Mỹ trong 10 tháng năm nay tăng 26,6%, cao gấp gần 3,6 lần tốc độ tăng tương ứng của cả nước (7,4%), hay tăng 10,3 tỷ USD, chiếm 70% tổng mức tăng tương ứng của cả nước.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ có nhiều. Trong 9 tháng, có 34 mặt hàng/nhóm hàng đạt trên 10 triệu USD, có 23 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, đặc biệt có 9 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (lớn nhất là dệt may 1.1208 triệu USD; điện thoại và linh kiện 7.017 triệu USD; giày dép 4.866 triệu USD; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 4.015 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ 3.649 triệu USD…).
Từ kết quả 10 tháng, có thể dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong cả năm 2019 có thể cán mốc 60 tỷ USD, chiếm khoảng 22,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ trong 10 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 12,6%, hay tăng 1,3 tỷ USD.
Trong 9 tháng 2019 có 36 mặt hàng đạt trên 10 triệu USD, đạt trên 100 triệu USD có 15, đặc biệt có 2 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (Máy tính, sản phẩm điện từ 3.584 triệu USD; bông 1.362 triệu USD).
Do xuất khẩu có quy mô và tốc độ tăng cao hơn nhập khẩu, nên Việt Nam xuất siêu lớn và tăng so với cùng kỳ năm trước (37,9 tỷ USD so với 28,7 tỷ USD, tăng 9,2 tỷ USD). Mức xuất siêu sang thị trường này là mức lớn nhất so với các thị trường lớn của Việt Nam.
Tuy có quy mô lớn và tăng cao như trên, nhưng so với tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ thì xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này mới đạt khoảng 2%. Do đó cần phải chú ý 2 điểm: Đối với một số mặt hàng có kim ngạch lớn cần tránh “bỏ trứng vào một giỏ” để tránh hàng rào kỹ thuật, nhất là xuất xứ hàng hóa mà Mỹ nghi ngờ “né thuế” xuất sang Mỹ; trong đó đáng chú ý đối với một số mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu lớn ở các thị trường khác, như: Xơ sợi dệt các loại, nguyên phụ liệu dệt may da, sắt thép, sản phẩm sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại… Đồng thời với việc chuyển bớt xuất khẩu sang các thị trường khác là chuyển việc nhập khẩu từ một số thị trường khác sang nhập từ thị trường Mỹ và nhập khẩu thêm một số máy móc, thiết bị từ Mỹ để giảm bớt xuất siêu sang Mỹ.
Đầu tư, du lịch được kỳ vọng
Vốn đầu tư trực tiếp đăng ký còn hiệu lực tính từ 1988 đến cuối tháng 10/2019 của Mỹ vào Việt Nam đứng thứ 10 trong các nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Đó là chưa kể có thông tin một số dự án của Mỹ nhưng đứng tên một số vùng lãnh thổ khác và không ít dự án của Việt kiều có quốc tịch Mỹ đầu tư về Việt Nam. Gần đây có nhiều hợp đồng nhập khẩu máy bay và một số thiết bị khác là một tin vui để vừa nâng cấp ở trong nước, vừa góp phần cân bằng hơn cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.
Lượng khách Mỹ đến Việt Nam trong 10 tháng 2019 đứng thứ 5 trong các nước và vùng lãnh thổ có khách đến Việt Nam, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, hay tăng 46,1 nghìn lượt người. Kỳ vọng lượng khách đến từ Mỹ cả năm sẽ vượt qua mốc 740.000 lượt người. Với mức chi tiêu bình quân một ngày của khách đến từ Mỹ năm 2017 là 100,1 USD (cao hơn mức bình quân 96 USD/ngày của khách đến từ các nước khác), chi tiêu của khách đến từ Mỹ đứng thứ hạng cao hơn thứ hạng về số khách.
Mỹ là quốc gia có số Việt kiều đông đảo nhất hiện chiếm trên 1/3 tổng số Việt kiều ở các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc đóng góp về trí tuệ, vốn liếng đầu tư, kiều hối và nhiều mặt khác của Việt kiều sống ở Mỹ là khá to lớn. Riêng về kiều hối chiếm khoảng 50% của cả nước. Tại đây cũng có nhiều học sinh, sinh viên du học… Kỳ vọng quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sẽ được mở rộng và nâng cấp trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần