Thương mại điện tử lên ngôi

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều hàng quán ảnh hưởng nặng nề phải tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho thương mại điện tử (TMĐT) phát triển, hỗ trợ DN chuyển đổi phương thức kinh doanh.

Nhiều cửa hàng tạm dừng hoạt động

Sau khi xác định trên địa bàn TP Hà Nội đã có bệnh nhân dương tính với Covid-19, nhiều quán cà phê, nhà hàng ở Hà Nội đã thông báo đóng cửa, tạm dừng kinh doanh. Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại một số tuyến phố trung tâm TP nơi tập trung khá nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ như: Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Cót, Chả Cá, Hàng Điếu... những ngày gần đây, không ít cửa hàng đã phải tạm đóng cửa hoặc sang nhượng lại do lượng khách giảm sút.
 Một trang web thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Hòa, chủ một cửa hàng trên phố Lương Văn Can chia sẻ: "Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, người dân lo ngại dịch nên ít ra ngoài, lượng khách du lịch đến khu phố cổ tham quan, mua sắm sụt giảm nên tôi quyết định tạm đóng cửa". Anh Minh Mai, chủ một quán cà phê trên phố Cửa Bắc cũng cho biết đã tạm đóng cửa quán do ít khách.
Không chỉ các hộ tiểu thương chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, DN quy mô lớn cũng trong tình trạng tương tự. Đại diện phân phối nhãn hãng thời trang Giordano Vietnam chia sẻ: Do dịch bệnh Covid-19 nên lượng khách hàng đến mua sắm tại hệ thống cửa hàng đặt tại Trung tâm thương mại Vincom, AEON giảm sút đến mức DN phải tạm dừng kinh doanh 2/3 cửa hàng DN đã đầu tư.
Các tiểu thương cho biết, mặc dù tạm dừng kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến doanh thu nhưng phòng, chống dịch mới là điều cần thiết lúc này, bởi đây cũng là cách tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng. Phần lớn các cửa hàng đều chưa có thời gian cụ thể mở cửa trở lại bởi tất cả đều phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh Covid-19.

Hình thành thói quen mới

Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là cơ hội để DN, tiểu thương ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh theo hướng TMĐT để vượt qua thách thức.
Những ngày gần đây, mặc dù lượng khách đến những chuỗi cửa hàng kinh doanh thức ăn nhanh và "take away" như: KFC, Lotteria, Phúc Long, The Alley, HighLand... có suy giảm nhưng lượng đơn hàng online lại tăng mạnh.
Anh Nguyễn Mạnh Tiến, chủ cửa hàng đại lý hải sản Quảng Ninh trên phố Trương Định cho biết: Trước đây, cửa hàng thông qua Faceboook đã thử chạy chương trình ship đến tận nhà một nồi lẩu hải sản giá chỉ 400.000 đồng nhưng lượng mua không đáng kể. Nhưng từ khi xuất hiện dịch Covid-19, lượng đặt hàng dịch vụ ship hàng về tận nhà tăng đáng kể.
Tương tự, đại diện hệ thống siêu thị Lotte Mart cho biết: Mặc dù đã đóng cửa trang TMĐT Lotte.vn nhưng hệ thống này vẫn bán hàng online qua ứng dụng Speed L. “Ứng dụng này sẽ tận dụng mùa dịch để thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng, để họ xuất hiện thói quen “lên mạng mua hàng” trước khi bước chân ra chợ hoặc siêu thị” - đại diện Lotte Mart chia sẻ.
Theo Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải, hiện việc sử dụng thiết bị điện thoại thông minh đã phổ biến nên bán hàng dựa trên nền tảng ứng dụng TMĐT sẽ là xu hướng tất yếu.
TMĐT sẽ là giải pháp giúp kết nối nhà sản xuất, nhà phân phối và các cửa hàng bán lẻ truyền thống. “Việc kết nối "các nhà" thông qua TMĐT cũng sẽ giúp các DN bán lẻ truyền thống có sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài” - ông Hải phân tích.
Đồng tình với ý kiến này, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) Nguyễn Bình Minh cho rằng, TMĐT là một “miếng bánh” lớn, nếu DN tận dụng tốt có thể phát triển vượt bậc. Thống kê cho thấy, năm 2019 doanh thu bán lẻ của cả nước đạt gần 162 tỷ USD nhưng bán lẻ truyền thống chiếm đến 70%, các kênh bán lẻ hiện đại như website, các trang TMĐT, sàn giao dịch hàng hóa… hiện tại đang chiếm hơn 22%.
Việc người tiêu dùng trong dịch Covid-19 hạn chế mua sắm tại chợ truyền thống, đẩy mạnh mua hàng qua giao dịch online là cơ hội cho DN chuyển đổi hình thức bán lẻ truyền thống sang TMĐT, qua đó nâng cao thị phần trong cơ cấu doanh thu bán lẻ.

Sự xuất hiện của phương thức bán hàng qua mạng thông qua các trang web và sàn giao dịch điện tử… đã mang lại cho người tiêu dùng nhiều tiện ích mới, doanh số bán hàng theo hình thức TMĐT ngày càng tăng cao. Việc mua sắm trực tuyến còn giúp khách hàng hạn chế đến những nơi đông đúc nhưng vẫn mua được những mặt hàng ưa thích khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú