Thương mại điện tử “lên ngôi”

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng mạnh. Dự báo năm 2021 thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh và vững chắc. Nhận định này được đưa ra tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2021 (VOBF 2021) do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức ngày 20/4 tại Hà Nội.

Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: Phương Thu
Thay đổi tư duy
Theo Chủ tịch VECOM Nguyễn Thanh Hưng, qua khảo sát khoảng 5.000 DN của VECOM, năm 2020 TMĐT nước ta tăng khoảng 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021 cũng như cả giai đoạn tiếp theo tới năm 2025. Đại dịch Covid-19 đã tác động lớn và toàn diện tới kinh tế - xã hội, trong đó có TMĐT. Vượt qua khó khăn, TMĐT vẫn đứng vững, thậm chí có sự bứt phá trong một số lĩnh vực bởi dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng, mua sắm của người dân. Qua đó, các DN cũng trở nên năng động hơn trong việc ứng dụng CNTT, thay đổi bộ máy tổ chức và hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tốt các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ, kết nối khách hàng.

Là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ vào vận hành trong kinh doanh, Quản lý tăng trưởng (Công ty CP Công nghệ Sapo) Nguyễn Thị Minh Trang thông tin, để đáp ứng nhu cầu của các DN kinh doanh trong giai đoạn hiện nay phần mềm quản lý của DN rất đa dạng, trong đó phần mềm quản lý, bán hàng dành cho các cửa hàng bán lẻ và online đang tiêu thụ mạnh. Hiện DN đang xây dựng hệ sinh thái sản phẩm toàn diện về sản phẩm công nghệ để hỗ trợ người kinh doanh từ khâu tối ưu vận hành, quản lý kho, dòng tiền, khách hàng, cho đến quản lý các kênh bán hàng online và offline, đến sản TMĐT. Ngoài ra, còn cung cấp giải pháp gọi vốn, gọi nguồn hàng, vận chuyển, thanh toán điện tử... nhằm gia tăng tiện ích tối ưu cho khách hàng...

Trong khi đó, là DN sử dụng phần mềm công nghệ trong kinh doanh, chị Ngô Thị Thu Trang (Cửa hàng Phật giáo Phúc Lạc Viên – Cự Khối, Long Biên) cho biết, để chăm sóc khách hàng tốt hơn, DN tiếp cận phần mềm dịch vụ tin nhắn thương hiệu của VIHAT nhằm gửi đến các khách hàng thông tin chính xác, rõ ràng chứ không phải là tin nhắn rác. Đây là phần mềm hữu ích giúp quảng bá, xây dựng thương hiệu cho bản thân và tất cả các DN khác cũng có thể sử dụng. Cùng với một tin nhắn trước làm thủ công chỉ gửi được cho một người nhưng giờ hàng nghìn người có thể nhận được điều đó minh chứng áp dụng TMĐT vào kinh doanh sẽ giúp giảm thời gian, chi phí, rất phù hợp với xu thế CMCN 4.0.
Công ty CP Công nghệ Sapo mang đến Diễn đàn dịch vụ phần mềm nhiều ứng dụng online và offline cho khách hàng. Ảnh: Khắc Kiên
Vẫn còn khoảng cách

Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam từ năm 2016 đến nay cho thấy, có sự chênh lệch rất lớn trong lĩnh vực TMĐT giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với các địa phương khác. Trong giai đoạn này, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh liên tục chiếm 70% quy mô TMĐT cả nước. Do đó, năm 2019 VECOM đề xuất và triển khai Chiến lược phát triển TMĐT nhanh và bền vững với mong muốn hỗ trợ các địa phương thu hẹp khoảng cách, tạo thị trường lớn hơn cho DN kinh doanh trực tuyến.

Một trong những mục tiêu chính của Chỉ số TMĐT (EBI) là xem xét, so sánh theo chỉ tiêu định lượng mức độ phát triển TMĐT giữa 63 tỉnh, thành trực thuộc T.Ư. Khảo sát của VECOM cho thấy, 3 TP dẫn đầu về EBI lần lượt là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. EBI 2021 phản ánh rõ ràng, điểm số trung bình của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vượt xa điểm số trung bình của nhóm 5 địa phương tiếp theo. Các địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nam Bộ có mức độ phát triển TMĐT thấp hơn. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch giữa 2 TP đầu tàu là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội với các địa phương khác có dấu hiệu thay đổi. Chẳng hạn, sự chênh lệch này thể hiện rõ nhất qua dịch vụ chuyển phát hàng hóa bán lẻ trực tuyến. Tỷ lệ bưu gửi của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 60% tổng bưu gửi của toàn thị trường 63 địa phương.

Chìa khóa để đạt được mục tiêu trên nằm ở nguồn nhân lực tại các địa phương. Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử 2020 đã nhấn mạnh khích lệ các DN và các hộ kinh doanh trên cả nước, đầu tư nhiều hơn vào nguồn nhân lực TMĐT là yếu tố then chốt quyết định sự tăng trưởng nhanh và bền vững của TMĐT Việt Nam. Đồng thời thu hẹp khoảng cách số giữa 2 TP lớn nhất nước với các địa phương còn lại. Theo VECOM, muốn phát triển TMĐT và nâng cao EBI của địa phương, ngành công thương và các cơ quan quản lý cần hướng tới các mục tiêu cụ thể mang tính định lượng… và đặc biệt là coi trọng phát triển nguồn nhân lực TMĐT.
Theo báo cáo TMĐT từ Đông Nam Á của Google: TMĐT Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%; gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%; tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%; riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%. Báo cáo cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô TMĐT đạt 52 tỷ USD.