Thương mại điện tử vẫn nhiều dư địa

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội nằm trong top địa phương dẫn đầu về sự phát triển thương mại điện tử, song khoảng cách giữa hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với 3 tỉnh, thành phía sau lại rất lớn cũng chứng minh còn nhiều dư địa nếu khai thác, vận dụng cơ hội tối đa lĩnh vực này.

Ngày 14/3, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã tổ chức Diễn đàn “Toàn cảnh TMĐT Việt Nam 2018” tại Hà Nội. Theo đánh giá của VECOM, tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể rất ngoạn mục.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử (TMĐT) cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số DN chuyển phát cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62 - 200%. Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa khoảng 50% so với 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết (afiliate marketing) có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100 - 200%.

TP Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương dẫn đầu về chỉ số TMĐT với điểm tổng hợp là 82,1 điểm và cao hơn 3,5 điểm so với năm 2017. Đứng thứ hai là Hà Nội với điểm tổng hợp 79,8 điểm, cao hơn 4 điểm so với năm trước. Đặc biệt, trong năm nay, Hải Phòng vươn lên vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng về chỉ số TMĐT, tiếp theo đó là Đà Nẵng và Bình Dương. Tuy nhiên, dù thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu nhưng khoảng cách giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với 3 tỉnh, thành còn lại rất lớn.

Theo đại diện VECOM, điểm trung bình của chỉ số TMĐT năm 2018 là 37,5 điểm. Cách biệt giữa điểm trung bình của nhóm 5 địa phương thấp nhất (27,5 điểm) và điểm trung bình của nhóm 5 địa phương cao nhất (64,3) điểm lên tới 36,7 điểm. Từ kết quả này có thể thấy, chênh lệch về sự phát triển TMĐT giữa các địa phương vẫn rất cao. Năm 2017 vừa qua, dù đã có nhiều hoạt động từ các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức và DN để thu hẹp khoảng cách về mức độ phát triển TMĐT giữa hai trung tâm kinh tế lớn với các địa phương khác nhưng kết quả còn thấp.

Đánh giá về ngành TMĐT Việt Nam nói chung, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải cho hay: Sau 20 năm internet vào Việt Nam, tới nay, TMĐT Việt Nam đang có tốc độ phát triển rất nhanh, ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống. Tăng trưởng TMĐT tại Việt Nam luôn duy trì ở mức trên 20%. Đặc biệt, trong năm 2017, con số này là 25%, thuộc loại nhanh trên thế giới. Một số chuyên gia dự báo, tiếp nối tăng trưởng đạt được trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng TMĐT trên 25% có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020.

Đại diện Amazon cho hay, người bán tiếp cận người mua toàn cầu một cách hiệu quả qua Amazon. Các DN có thể ngồi tại Việt Nam mà bán hàng qua Mỹ, châu Âu mà không cần văn phòng, nhà kho tại đó. “Bên cạnh bán buôn, Amazon cũng cho phép người bán cá nhân tham gia vào thị trường bán lẻ của Amazon với 300 triệu khách hàng đến từ 180 quốc gia, người bán từ 172 nước, gồm cả người bán đến từ Việt Nam” – vị này nói. Đồng thời khẳng định, Amazon cung cấp công cụ giúp người bán hàng dễ dàng nhất. Các trang của Amazon nằm trong top trang truy cập nhiều nhất, hơn 50% mặt hàng được bán trên Amazon bởi bên thứ 3 và người bán quốc tế chiếm hơn 25% tổng doanh thu.
Chỉ số TMĐT 2018 có được thông qua khảo sát do VECOM tiến hành từ tháng 9 - 11/2017 tại hơn 4.100 DN trên cả nước, đánh giá theo 4 chỉ số thành phần: Hạ tầng và nguồn nhân lực; giao dịch TMĐT DN với người tiêu dùng (B2C); giao dịch TMĐT DN với DN (B2B) và giao dịch giữa Chính phủ với DN (G2B).