Thượng sĩ quân đội bị tù oan gần 4 năm chỉ được bồi thường 615 triệu đồng

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/9, TAND huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh đưa vụ án “Tranh chấp bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự” ra xét xử.

Người khởi kiện trong vụ án này là ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1958, ngụ ấp Xóm Mới 2, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu), đối tượng bị kiện là Viện KSND tỉnh Tây Ninh. Số tiền ông Dũng đòi bồi thường oan sai trên 10,4 tỷ đồng.
Quyết định đình chỉ điều tra vụ án 'Cướp tài sản riêng của công dân', đối với ông Nguyễn Văn Dũng, do Viện KSND tỉnh Tây Ninh ban hành ngày 11/5/1983, thể hiện cả 9 người bị bắt cùng ông Dũng đều bị dùng nhục hình!
Các luật sư đề nghị tạm đình chỉ phiên xét xử
Tại phiên tòa các luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Dũng đã đề nghị HĐXX tạm đình chỉ phiên xử để đưa ông Dũng đi giám định lại sức khỏe do bị nhục hình bức cung trong những tháng ngày tù ngục. Đồng thời Viện KSND tỉnh cũng chưa làm thủ tục xin lỗi người bị oan là ông Dũng. Nếu xin lỗi thì phải xin lỗi tại đơn vị quân đội nơi trước kia ông Dũng công tác.
“Đặc biệt từ trước đến nay, Viện KSND tỉnh Tây Ninh vẫn không hợp tác với 8 người bị bắt oan còn lại trong vụ án. Trong khi đó, đến nay 8 người kia vẫn chưa được đình chỉ bị can, có nghĩa trong 39 năm qua vẫn mang thân phận bị can của một vụ cướp. Vì những lý do nêu trên, đề nghị HĐXX tạm đình chỉ phiên xử”, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh đề nghị.
Cũng theo Luật sư Phúc, về số tiền bồi thường cho ông Dũng phải xem lại. Thứ nhất, số ngày ông Dũng bị ở tù oan căn cứ vào quyết định khởi tố là ngày 27/7/1979, nhưng trong quyết định đình chỉ điều tra nêu rõ ngày ông Dũng bị bắt vào khuya 26/7/1979 nên phải tính thêm 1 ngày. Thứ hai, tính theo mức lương cơ bản được áp dụng từ ngày 1/7/2018 là 1.390.000 đồng/tháng, tăng thêm 90.000 đồng so với trước kia, vì thế con số bồi thường phải tính toán lại.
Đối với số tiền trên 586 triệu đồng trước đó Viện KSND tỉnh Tây Ninh đưa ra thương lượng bồi thường cho ông Dũng tại buổi hòa giải. Trước khi diễn ra phiên tòa sơ thẩm này, phía Viện KSND đã rút lại và đề nghị tòa án giải quyết theo pháp luật.
 
Trên 10,4 tỷ đồng đòi bồi thường gồm những gì?
Đối với số tiền trên 10,4 tỷ đồng (số làm tròn - VP) mà ông Nguyễn Văn Dũng đưa ra để yêu cầu Viện KSND tỉnh Tây Ninh bồi thường, gồm: Thiệt hại do tài sản bị xâm hại (tiền lương, phụ cấp của 35 năm), tổng cộng trên 2,074 tỷ đồng; Thu nhập thực tế bị mất, tính theo các thông tư của Bộ Quốc phòng (lương, phụ cấp chế độ thâm niên đối với quân nhân chuyên nghiệp) vào thời điểm bị bắt oan sai, ông Dũng hưởng lương và phụ cấp của thượng sĩ, chức vụ trung đội phó, tổng số tiền ông Dũng yêu cầu bồi thường cho khoản này trên 310 triệu đồng; Thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm hại (chi phí khám, chữa bệnh, thuốc, nằm viện, chi phí người chăm sóc, ăn uống, phòng trọ cho người chăm sóc, chăm sóc tại nhà) tổng cộng hơn 1,146 tỷ đồng; Thiệt hại về tinh thần bị xâm hại, do ông Dũng là quân nhân đang tại ngũ có hưởng chế độ trong quân đội rõ ràng, không phải một người dân bình thường. Vì vậy, mức bồi thường cho quân nhân phải thực hiện theo quy định và chế độ của Bộ Quốc phòng và Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, với tổng số tiền trên 2,076 tỷ đồng.
“Ngoài những khoản bồi thường trên, tôi còn yêu cầu Viện KSND tỉnh Tây Ninh bồi thường cho “các chi phí khác”, gồm: thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, thiệt hại trong quá trình khiếu nại, tố cáo để có được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, như: Chi phí tàu xe, ăn ở, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo, thuê viết đơn, tham gia tố tụng… trên 880 triệu đồng. Đối với thiệt hại về uy tín, danh dự, nhân phẩm của quân nhân và gia đình, chi phí nuôi con, nuôi cha mẹ… tôi yêu cầu bồi thường 4 tỷ đồng”, ông Dũng cho biết.
Tuy nhiên, sau khi nghị án, chiều 12/9, HĐXX TAND huyện Gò Dầu tuyên buộc Viện KSND tỉnh Tây Ninh phải bồi thường cho ông Nguyễn Văn Dũng số tiền 615.179.432 triệu đồng cho 3 năm 9 tháng 14 ngày ở tù oan.
2 tuổi rưỡi cũng bị bắt ở tù
Năm 1979, ông Dũng là bộ đội thuộc C19 - E774 Sư doàn 317 (Quân khu 7), đóng quân tại chiến trường Campuchia. Ngày 25/7/1979, ông Dũng được đơn vị cử về Việt Nam lấy tài liệu tập huấn và nhân dịp về thăm gia đình tại ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Khoảng 23h ngày 26/7/1979, ông Dũng bất ngờ bị Công an xã bắt giải lên Công an huyện Trảng Bàng với lý do ông “Cướp tài sản riêng của công dân” và ra lệnh bắt tạm giam từ ngày 27/7/1979. Cùng bị bắt giam với ông Dũng là 8 người thân của ông, gồm: Ông Nguyễn Văn Chiến (SN 1953, anh ruột ông Dũng); bà Nguyễn Thị Lan (SN 1953, vợ ông Chiến); bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 1946, chị ruột ông Dũng); ông Hồ Long Chánh (anh rễ ông Dũng); ông Nguyễn Thành Nghị (SN 1918, cha của bà Nguyễn Thị Lan); bà Võ Thị Thương (SN 1925, vợ của ông Nghị); ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1961, con của ông Nghị); bà Nguyễn Kim Chung (SN 1979, con của ông Nguyễn Văn Chiến và bà Nguyễn Thị Lan, lúc bị bắt cùng cha mẹ vào trại giam chỉ 2,5 tháng tuổi).
Trong suốt thời gian bị bắt giam, dù bị nhục hình ép cung nhưng ông Dũng cương quyết không nhận tội nên đến ngày 11/5/1983, Viện KSND tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định số 15/KSĐT-TA về việc “Đình chỉ điều tra đối với ông Nguyễn Văn Dũng” do không thực hiện hành vi phạm tội và trả tự do.
Thời gian từ khi bị bắt giam cho tới khi được trả tự do, ông Dũng phải ngồi trong nhà tù mất 3 năm 9 tháng và 14 ngày. Sau khi được trả tự do vì không phạm tội, ông Dũng quay trở lại đơn vị cũ ở chiến trường Campuchia để xin được tiếp tục chiến đấu, tuy nhiên, đơn vị từ chối tiếp nhận vì trước đó ông Dũng bị bắt với tội danh trên.