Thượng tá Nguyễn Minh Hiển dạy học sinh ứng phó với “kẻ lạ mặt”

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thượng tá Nguyễn Minh Hiển đề nghị phụ huynh không ghi thông tin cá nhân của cha mẹ, học sinh lên cặp sách tới trường.

Ngày 29/8, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức tọa đàm “Phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em” đã thu hút được nhiều học sinh và giáo viên tham gia đặt những câu hỏi về các vấn đề “nóng” đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm. 
Đến từ trường Tiểu học Trần Quốc Toản, học sinh lớp 5B Vũ Lê Anh Thư gửi tới buổi tọa đàm nỗi băn khoăn về việc trên mạng có thông tin người lạ đóng giả bố mẹ để bắt những bạn học sinh tan học tự đi về một mình. Người lạ đã nói những lời gay gắt khiến người xung quanh hiểu lầm là học sinh đó bỏ học đi chơi và bị bố mẹ bắt gặp. Thông tin này khiến cho những bạn học sinh tự đi học về vô cùng lo lắng.
 Em Vũ Lê Anh Thư muốn được tư vấn cách đối phó ''kẻ lạ mặt''. Ảnh: Thủy Trúc
Trước tình huống học sinh bị “kẻ lạ mặt” đóng giả bố mẹ tiếp cận, Thượng tá, PGS.TS Nguyễn Minh Hiển – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân đưa ra giải pháp: Các con phải nhanh chóng nói thật to: “Đây không phải là bố mẹ của con!”. Thậm chí, các con có quyền kêu thật to “Đây là kẻ bắt cóc!” nhằm gây sự chú ý đối với người lớn xung quanh để có sự hỗ trợ.
Và, về nguyên tắc, đối tượng đi xâm hại trẻ em sẽ không biết được tên tuổi của giáo viên. Vì thế, các con có thể nói “Cô/chú đọc tên của cô giáo tôi ra” để tạo sự chú ý đối với người xung quanh. Khi đó, các con cố gắng tiếp cận với một bác lớn tuổi ở gần quanh đó để nhờ hỏi đối tượng và yêu cầu trả lời để khẳng định đó là kẻ lạ mặt đóng giả bố mẹ học sinh.
 PGS Nguyễn Minh Hiển khuyên các em học sinh khi bị đối tượng lạ tiếp cận hãy kêu thật to: Đây là kẻ bắt cóc. Ảnh: Thủy Trúc
Thượng tá Nguyễn Minh Hiển cũng cho hay: Thông thường, trước khi hành động, các đối tượng lạ bao giờ cũng có quá trình tìm hiểu rất rõ quy luật đi lại của các con. Khi đối tượng quan sát, tìm hiểu thì sẽ biết được cả tên bố, mẹ của học sinh.
“Tất cả các em hãy hết sức chú ý thông tin về bản thân. Tôi thấy có nhiều phụ huynh thường ghi họ tên của của mình cùng số điện thoại, tên của con vào một mảnh giấy và gắn lên trên cặp sách. Đặc biệt là trẻ em tiểu học hay được bố mẹ ghi thông tin này. Các lớp dạy kỹ năng, các bậc phụ huynh và các con không nên ghi thông tin của bố mẹ, của các con gắn lên cái cặp đó “ – PGS Nguyễn Minh Hiển đưa ra lời khuyên.
Theo ông Hiển, trước đây mọi người nghĩ là ghi thông tin cá nhân của bố mẹ và con lên trên đó để phòng khi con bị lạc có thể gọi điện báo nhưng việc làm lại phản tác dụng.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm cũng khuyên học sinh không nhận bất cứ món quà nào từ người lạ, không đi chơi. Tất cả những món quà các em nhận đều phải nói cho bố mẹ và người lớn (thầy, cô giáo) biết. Thứ hai, các em không tiếp xúc ở mức độ gần gũi quá mức với những người lạ cũng như với cả thầy cô.
Bởi thực tế đã chỉ ra, 93% những vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em là những người thân quen. Ở bậc tiểu học, đã được học quy tắc “Năm ngón tay” cho nên các em cố gắng không gần gũi ở mức độ thân thiết đối với thầy dạy ngoại ngữ, đặc biệt là người nước ngoài.
Nghiên cứu của những người làm công tác phòng chống tội phạm cho thấy, tất cả những đối tượng có hành vi xâm hại đển đặt ra hoàn cảnh. Vì thế, Thượng tá Nguyễn Minh Hiển lưu ý các cha mẹ không tạo ra hoàn cảnh thuận lợi để con bị tiếp xúc đối tượng xấu có hành vi xâm hại.