Thường Tín cần tập trung nguồn lực, xã hội hóa công tác giáo dục

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/5, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn đã làm việc với huyện Thường Tín về kết quả thực hiện Nghị quyết số 05.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND của HĐND TP về Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội; Quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
 

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi giám sát.

Theo lãnh đạo huyện Thường Tín, tính đến cuối năm 2016, các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có tổng số 174 lớp, 6.762 học sinh; các cơ sở giáo dục trực thuộc huyện có 1.424 nhóm lớp, 50.768 học sinh. Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi học với khối nhà trẻ đạt 35,1%, trẻ mẫu giáo đạt 95%, trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%. Tỷ lệ huy động trẻ đi học đúng độ tuổi (6-10 tuổi) và huy động học sinh vào THCS đạt 100%. Tỷ lệ huy động thanh thiếu niên đến trường theo độ tuổi (15-18 tuổi) đạt 96,61%. Giáo dục thường xuyên duy trì và giữ vững phổ cập xóa mù chữ, 100% xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng.
Giai đoạn từ 2011 – 2015, huyện tập trung đầu tư kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc huyện với tổng số tiền gần 439 tỷ đồng cho 212 dự án trường học. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, hiện, toàn huyện có 50/88 trường đạt chuẩn đạt tỷ lệ 56,8%. Cụ thể, trường Mầm non có 12/29 trường đạt chuẩn chiếm 41,4%; Tiểu học có 18/29 trường đạt chuẩn chiếm 62,1%; THCS có 20/30 trường đạt chuẩn chiếm 66,7%.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện Thường Tín sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện quy hoạch mạng trường lớp trên địa bàn huyện, đảm bảo đủ diện tích theo quy định trường chuẩn quốc gia đối với các trường học. Cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất 50 lượt trường học trên địa bàn theo kế hoạch đầu tư công: cấp Mầm non là 21 trường, Tiểu học 16 trường và THCS 13 trường. Xây dựng thêm 21 trường chuẩn quốc gia: 8 trường Mầm non, 5 trường Tiểu học, 8 trường THCS; nâng tỷ lệ đạt chuẩn lên 80,7%. Đặc biệt, huyện phấn đấu triển khai việc thực hiện quy hoạch, sắp xếp các điểm lẻ đối với các trường Mầm non để không còn trường nào vượt quá 3 điểm trường.
Tuy nhiên, do dân số cơ học tăng nhanh nên diện tích đất nhiều trường không đảm bảo. Công tác quy hoạch gặp nhiều khó khăn trong thu hồi đât, giải phóng mặt bằng. Các trường được đầu tư xây dựng chỉ xây mới một số hạng mục, còn lại sửa chữa, nâng cấp các phòng cũ do đó diện tích các phòng học phòng chức năng, phòng bộ môn chưa đáp ứng đúng với yêu cầu hiện nay. Đối với bậc học mầm non, do mới được chuyển từ mô hình bán công sang công lập nên nhu cầu đầu tư rất lớn cả về địa điểm và kinh phí, trong khi nguồn kinh phí còn có hạn nên còn khó khăn. Nhu cầu đầu tư trang thiết bị các phòng chức năng, phòng bộ môn lớn trong khi nguồn kinh phí có hạn, nên những trường xây dựng chuẩn quốc gia mới được đầu tư thiết bị ở mức tối thiểu. Hoạt động thường xuyên của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên gặp khó khăn sau sát nhập do 2 cơ sở sau khi sát nhập ở 2 địa điểm khác nhau.
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu huyện Thường Tín rà soát lại các chỉ tiêu trong Nghị quyết 05. Lưu ý rà soát về quy hoạch, tính toán trong công tác dự báo…. để có cách thức làm sao cho phù hợp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, phát triển hệ thống giáo dục các cấp. “Huyện cần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, tập trung nguồn lực, xã hội hóa trong công tác giáo dục”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP nhấn mạnh.
Trưởng đoàn cũng đề nghị các sở, ngành liên quan rà soát các chính sách của thành phố về giáo dục và đào tạo; phối hợp với các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐND.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần