Thường Tín đầu tư phát triển “đất trăm nghề”

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thường Tín được biết đến là “đất trăm nghề” của Thủ đô khi toàn huyện có 126 làng nghề, trong đó có 46 làng nghề truyền thống. Bước sang năm 2018, làng nghề và khu tiểu thủ công nghiệp huyện Thường Tín đang chuyển mình mạnh mẽ.

 Ảnh: Đông Phong.
Nhiều sản phẩm thủ công truyền thống huyện Thường Tín gắn liền tên vùng miền địa phương đã nổi tiếng trong nước và quốc tế. Đó là, nghề thêu tay xã Quất Động; tranh sơn mài xã Duyên Thái; đồ gỗ cao cấp Vạn Điểm… 
Người dân Thường Tín chăm chỉ, cần cù phát triển nghề truyền thống, đẩy mạnh kinh tế địa phương. Trong 46 làng nghề được công nhận, có gần 13.000 cơ sở sản xuất và hàng trăm DN tư nhân sản xuất trong lĩnh vực nghề truyền thống, tạo công việc ổn định cho hơn 30.000 lao động, chủ yếu là người địa phương. Năm 2017, tổng giá trị công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước.

Phát triển làng nghề truyền thống theo hướng bền vững, huyện Thường Tín đã có những quyết sách mang tính chiến lược trong 5 năm (giai đoạn 2016 – 2020). Theo đó, UBND huyện đã triển khai hỗ trợ kinh phí đào tạo 124 lớp khuyến công cho khoảng trên 5.000 lao động.

Tính riêng năm 2017, huyện đã mở 17 lớp khuyến công đào tạo ngắn hạn trong thời gian 3 tháng cho gần 1.000 lao động. Triển khai chương trình hỗ trợ của Sở NN&PTNT về mô hình mây tre giang đan xã Ninh Sở và nghề thêu ren, thêu tay xã Văn Tự, với 220 hộ gia đình tham gia.
Huyện đã hoàn thành việc xây dựng thương hiệu làng nghề điêu khắc đá, gỗ thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang. Hỗ trợ các nghệ nhân, thợ giỏi trên địa bàn tham gia cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm làng nghề, bình chọn các sản phẩm làng nghề tiêu biểu; xây dựng được 2 nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm làng nghề sơn mài Hạ Thái, Duyên Thái và nhãn hiệu Tập thể thêu Thường Tín. Đồng thời, có nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề truyền thống mộc cao cấp Vạn Điểm; chăn ga gối đệm Trát Cầu, xã Tiền Phong.

Bên cạnh đó, UBND huyện Thường Tín thực hiện chính sách hỗ trợ như xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm làng nghề, kết hợp với du lịch làng nghề tại địa bàn. Củng cố, phát triển các hiệp hội, hội làng nghề tạo điều kiện cho người lao động sản xuất nghề truyền thống có nơi trao đổi kinh nghiệm về nghề nghiệp, củng cố thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước…

Không chỉ phát triển mũi nhọn làng nghề truyền thống, 5 năm trở lại đây, huyện Thường Tín thay da đổi thịt mạnh mẽ theo chuẩn nông thôn mới. Năm 2017, có 4 xã (Tự Nhiên, Tân Minh, Tô Hiệu, Nghiêm Xuyên) cán đích nông thôn mới, nâng tổng số 19/28 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn tại huyện Thường Tín. Hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp đồng bộ.
Đến nay, các tuyến đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa đến 98%, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của Nhân dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Công tác giáo dục - đào tạo cũng luôn được huyện quan tâm và đầu tư thực hiện. Năm 2017, có thêm 7 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 175% kế hoạch, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia toàn huyện là 57/88 trường, đạt tỷ lệ gần 65%. Từng bước đào tạo học sinh thông thạo công nghệ thông tin, toàn bộ các trường học trong huyện Thường Tín đều được nối mạng internet, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần