Thượng tọa Thích Đức Thiện: Trực tuyến ngày lễ Vu lan, ý nghĩa vẫn trọn vẹn

Nhật Vũ (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 1/9 (tức 14 tháng 7 âm lịch) Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ Vu lan ba miền qua cầu truyền hình trực tuyến, từ ba điểm cầu tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), chùa Giác Ngộ (TP Hồ Chí Minh) và Nghĩa trang đồi A1 (Điện Biên).

 Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam 
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, hình thức tổ chức ngày lễ Vu lan năm nay sẽ đơn giản nhưng vẫn bảo đảm nhu cầu tâm linh.
Dịp tháng 7 hàng năm là tháng Vu lan báo hiếu - lễ hội văn hóa của Phật giáo. Năm nay, Giáo hội đã gửi văn bản yêu cầu các nhà chùa, tự viện tổ chức ngày lễ Vu lan theo hình thức trực tuyến, cụ thể là sẽ tổ chức như thế nào thưa Thượng tọa?
- Trước đó, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi văn bản tới Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, TP; các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước về khóa lễ Vu lan báo hiếu 2020. Giáo hội khuyến nghị các chùa, cơ sở tự viện nên tăng cường các khóa lễ Vu lan bằng hình thức trực tuyến.
Tối 1/9 (tức 14 tháng 7 âm lịch) Giáo hội tổ chức lễ Vu lan qua cầu truyền hình trực tuyến không khán giả, từ ba điểm cầu tại chùa Quán Sứ, chùa Giác Ngộ và Nghĩa trang đồi A1 (Điện Biên). Khán giả khắp các vùng miền, kể cả Việt kiều có thể dõi theo nghi lễ.
Việc cầu siêu cho cửu huyền thất tổ, các anh hùng liệt sĩ diễn ra theo tinh thần giãn cách xã hội trong chùa, không tập trung đông Phật tử và được truyền hình trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, kể cả mạng xã hội Phật giáo Butta và các kênh khác. Người dân có thể đăng ký cầu siêu bằng hình thức trực tuyến để các nhà sư làm lễ. Như vậy, chúng ta vẫn đảm bảo được nhu cầu tâm linh, sự thành kính và bày tỏ lòng tri ân.
Với việc dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại, tổ chức lễ Vu lan trực tuyến là cần thiết và an toàn. Trong ảnh: Người dân đi lễ Phủ Tây Hồ ngày 19/8. Ảnh: Chiến Công

Tổ chức các nghi lễ tâm linh theo hình thức trực tuyến vẫn chưa trở thành thói quen của nhiều người dân, vì nhiều người cho rằng đến chùa làm lễ thị mới thể hiện được lòng thành và tinh thần báo hiếu. Thượng tọa giải thích sao về quan điểm này?

- Không phải đến giờ, các giáo phái mới tổ chức nghi lễ tâm linh theo hình thức trực tuyến. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đầu tiên (hồi tháng 3 đến tháng 5), dịch bệnh lan rộng ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam, Giáo hội từng tổ chức đại lễ Phật đản trực tuyến. Rút kinh nghiệm từ đại lễ Phật đản, đại lễ Vu lan trực tuyến tin rằng sẽ có hiệu quả hơn, đến với đông đảo bà con Phật tử và Nhân dân hơn nữa. Không cần lo lắng trực tuyến bớt đi sự trọn vẹn về đạo hiếu, điều quan trọng nhất là ta có thực tâm thành kính hay không.

Giáo hội có những hướng dẫn cụ thể nào để việc thực hành nghi lễ Vu lan báo hiếu đúng với ý nghĩa tốt đẹp, không mang tinh thần cúng lễ mâm cao cỗ đầy?

- Trong văn bản mới nhất của Ban Thường trực Hội đồng trị sự hướng dẫn thực hiện đại lễ Vu lan, Giáo hội đề nghị Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, Tăng ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện đẩy mạnh an sinh xã hội, tham gia ủng hộ quỹ phòng chống dịch bệnh. Việc từ thiện vốn làm thường xuyên nhưng thời gian này cần tập trung cao hơn.

Thành kính cốt ở cái tâm, không phải chúng ta sắm sửa lễ nghi thật to, thật nhiều bằng đồ không thật như vàng mã.

Lâu nay, khi mỗi dịp Tết đến và mùa lễ hội, Giáo hội vẫn nhắc nhở, đừng để việc phục vụ đồng bào Phật tử, bà con Nhân dân nhìn nhận nét đẹp trong đạo Phật như một dịch vụ. Giáo hội hoàn toàn không được phép làm điều đó.

Người trần mắt thịt vẫn mong muốn bày tỏ và thể hiện bằng hiện vật cụ thể. Thế nhưng, tinh thần của nhà chùa là phục vụ và các thầy vẫn nhắc đệ tử rằng Phật pháp ở cái tâm chứ không phải sự bày tỏ là lễ lớn hay lễ nhỏ. Thành tâm thì một bông hoa, một chén nước, một trái oản... cũng đã là lễ trọng.

Phật giáo coi tháng Bảy âm lịch là mùa Vu lan báo hiếu, còn dân gian lại quan niệm đây là tháng cô hồn. Vậy quan niệm nào là đúng thưa Thượng tọa?

- Dân gian coi tháng Bảy âm lịch là tháng cô hồn là do Rằm tháng Bảy là Tết Trung nguyên vào dịp mở cửa địa ngục cho tất cả vong linh chịu đọa ra khỏi ngục. Phật giáo thực tế có nói về luân hồi sinh tử, đề cập chuyện tùy theo nghiệp lực mỗi người mà sinh về một trong sáu cõi, trong đó cũng có cõi địa ngục, cõi ngã quỷ. Tuy nhiên, Phật giáo không có tháng nào gọi là tháng cô hồn.

Phật giáo khi vào phương Đông hòa quyện với một số tín ngưỡng bản địa. Việc cúng lễ cho cô hồn cũng gần với tư tưởng và tinh thần báo ân, tri ân của Phật giáo. Nhà Phật vì thế cũng có đàn lễ siêu độ cho thập loại chúng sinh.

Xin cảm ơn Thượng tọa!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần