Thượng tôn pháp luật cần được lan tỏa

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Thanh tra TP Hà Nội công bố kết luận về hàng loạt vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất rừng, trật tự xây dựng tại huyện Sóc Sơn.

Từ kết luận trên, Thanh tra TP đề nghị UBND TP giao UBND huyện Sóc Sơn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể và cá nhân qua các thời kỳ từ năm 2006 - 2018 do buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng dẫn đến các vi phạm.
 Một công trình xây dựng vi phạm đất rừng phòng hộ tại xã Minh Trí. Ảnh: Lâm Nguyễn
Đặc biệt, Thanh tra TP kiến nghị cho phép chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đối với những vi phạm trong việc chứng thực, xác nhận mua bán, chuyển nhượng đất dẫn đến việc xây dựng công trình vi phạm trong quy hoạch rừng năm 2008 để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Từ những động thái trên, có thể tin tưởng rằng với tinh thần thượng tôn pháp luật, những sai phạm trong công tác quản lý đất đai ở Sóc Sơn sẽ được xử lý một cách triệt để, nghiêm túc, đúng người đúng việc. Điều đó chắc chắn sẽ củng cố niềm tin của cán bộ, người dân đã có được bởi những kết quả của công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua.
Có một điều dễ thấy là trong thực tế cũng như qua kết luận của Thanh tra TP Hà Nội và trước đó là Thanh tra Chính phủ, những sai phạm trong lĩnh vực này ở Sóc Sơn lên tới con số hàng trăm. Vậy mà dường như dư luận người dân chỉ quan tâm nhiều nhất, thậm chí đặc biệt quan tâm đến hai trường hợp là khu đất của gia đình ca sĩ Mỹ Linh và Việt phủ Thành Chương. Nguyên nhân cũng dễ thấy, đây là những công trình có quy mô lớn, nhưng cũng bởi họ là những người nổi tiếng, người của công chúng.
Trở lại những đại án tham nhũng được phát hiện và đưa ra xét xử trong thời gian qua, những vụ việc được quan tâm nhiều liên quan đến những người “nổi tiếng”, từng giữ những cương vị quan trọng trong các cơ quan Đảng, Chính phủ, lực lượng vũ trang…
Rõ ràng, sự việc được đặc biệt quan tâm cũng bởi đa phần người liên quan là những người có chức, có quyền, những người “nổi tiếng”, ngoài tính chất nghiêm trọng của vụ việc! Có thể khẳng định chúng ta đã và đang tiếp tục thực hiện công cuộc phòng chống tham nhũng, xử lý những sai phạm trong xã hội một cách có hiệu quả với tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Điều này đã đem lại và ngày càng củng cố niềm tin cho người dân.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng vẫn còn những nơi, những chỗ tinh thần thượng tôn pháp luật cần phải được quan tâm thực thi chặt chẽ, quyết liệt hơn. Như trên đã nói, thời gian qua chúng ta đã thực hiện tốt, thậm chí có thể nói rất tốt việc xử lý những vụ án lớn, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, gây tác hại to lớn đến nền kinh tế quốc dân và sự ổn định xã hội.
Song cũng phải nói một cách thẳng thắn rằng, tinh thần thượng tôn pháp luật chưa được thực sự chú ý ở một số lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Và điều đó cũng gây những tác hại không hề nhỏ. Đơn cử như trong lĩnh vực giao thông. Cho đến nay có thể nói vấn nạn về ùn tắc, tai nạn giao thông, đặc biệt là ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là vô cùng nghiêm trọng, gây thiệt hại không nhỏ.
Theo con số mà Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải đưa ra năm 2018, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động từ 1 - 1,2 tỷ USD tức là quãng hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Về thời gian đi lại của người dân, ùn tắc giao thông làm thiệt hại mỗi năm hơn 1 triệu giờ lao động! Đó là chưa kể những tổn thất, bức xúc về tinh thần cho người dân.
Cũng không khó khăn gì để có thể chỉ ra một trong những nguyên nhân của vấn nạn trên là tình trạng vi phạm luật pháp về an toàn giao thông đang diễn ra từng ngày, từng giờ. Không khó thấy những cảnh người tham gia giao thông có hành vi vi phạm mà không bị xử lý dù lực lượng chức năng có mặt. Đặc biệt là những người đi xe máy, xe thô sơ. Lại cũng cần nhắc đến một hiện tượng khá phổ biến là cảnh sát giao thông gần như không xử lý những người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông mà nhiều nhất là không đội mũ bảo hiểm. Không khó thấy hình ảnh một ông Tây ba lô quần đùi áo cộc, không đội mũ bảo hiểm phóng xe máy ầm ầm trước mặt nhà chức trách!
Rõ ràng, để xảy ra tình trạng trên là do việc thực thi pháp luật không nghiêm, dẫn đến hiện tượng “nhờn luật”, hay nói cách khác là tinh thần thượng tôn pháp luật chưa được lan tỏa đến lĩnh vực này một cách đầy đủ! Và không chỉ trong lĩnh vực an toàn giao thông, hiện tượng này còn tồn tại ở một số lĩnh vực khác.
Nói như vậy để thấy, cùng với việc thực thi tinh thần thượng tôn pháp luật, tiếp tục công cuộc
phòng chống tham nhũng, tiêu cực với quan điểm không có vùng cấm như quyết tâm của Đảng, Nhà nước, cần quan tâm đến thực thi tinh thần này trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đang diễn ra từng ngày. Làm sao để mỗi người dân thấy rằng vi phạm luật lệ giao thông, đưa phong bì để nhanh được việc… cũng đáng phê phán và có tác hại không kém những hành vi tham nhũng, lấn chiếm đất đai… Nói cách khác, tinh thần thượng tôn pháp luật vẫn rất cần được tiếp tục lan tỏa!