Thượng viện Mỹ phê chuẩn dự luật chi tiêu quốc phòng lên tới 700 tỷ USD

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/11, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật về ngân sách quốc phòng trị giá 700 tỷ USD cho tài khóa 2018 và dự luật này đã được chuyển lên Tổng thống Mỹ Donald Trump để ký ban hành.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Trước đó, ngày 14/11 vừa qua, Đạo luật Cấp phép Quốc phòng thường niên (NDAA) đã được Hạ viện Mỹ thông qua với 356 phiếu thuận và 70 phiếu chống, trong đó 127 nghị sĩ Dân chủ ủng hộ. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ chưa đưa ra kế hoạch cụ thể về cách thức cung cấp tài chính cho Lầu Năm Góc.
Dự luật NDAA thường niên đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn bằng hình thức biểu quyết miệng.
Dự luật này là một sự thỏa hiệp thông qua đàm phán giữa lưỡng viện Quốc hội Mỹ, cao hơn khoảng 26 tỷ USD so với các đề nghị ngân sách quốc phòng ban đầu của Tổng thống Trump, và cao hơn khoảng 15% so với đạo luật năm 2016.
Tuy nhiên, cũng giống như Hạ viện, Thượng viện Mỹ đã không thể quyết định về cách thức cung cấp tiền cho Lầu Năm Góc. 
Theo kế hoạch phân bổ, dự luật sẽ phân bổ 634 tỷ USD cho các hoạt động nòng cốt của Lầu Năm Góc như mua vũ khí và trả lương.
Theo Đạo luật, lương của binh lính Mỹ sẽ tăng 2,4%, cao hơn một chút so với mức đề xuất của Lầu Năm Góc.
Gói ngân sách quốc phòng mới cũng sẽ cung cấp 66 tỷ USD cho các chiến dịch phản ứng nhanh tại nước ngoài và hỗ trợ tài chính cho một số chương trình an ninh của Mỹ với các đồng minh châu Âu.
Đáng chú ý, dự luật sẽ dành 12,3 tỷ USD cho hoạt động của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Lầu Năm Góc nhằm tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa của quốc gia.
Cũng theo dự luật này, 8,5 tỷ USD sẽ được đầu tư để nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Triều Tiên trong thời gian gần đây liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần