Thường vụ Quốc hội đồng tình thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù với Hà Nội

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 1/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục Phiên họp thứ 45, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Đề xuất Hà Nội được thí điểm thu thêm phí
Trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, về những cơ sở và sự cần thiết xây dựng Nghị quyết. Theo đó, xuất phát từ yêu cầu thực tế phát triển của Hà Nội. Thời gian qua, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp lớn cho sự phát triển và thu ngân sách nhà nước của cả nước, chia sẻ những khó khăn chung với Trung ương và các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển; tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố được đầu tư đã lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ gây mất an toàn, không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ quan đô thị, tình trạng ô nhiễm môi trường; ùn tắc giao thông; tình trạng tăng dân cư tự phát đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực nội thành.
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình Dự thảo Nghị quyết tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hà Nội là cần thiết.
Trong nội dung tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đề xuất cho thành phố Hà Nội được thực hiện thí điểm: Thu phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí; Tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách trung ương hưởng 100%) được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Các khoản thu tăng thêm ngân sách thành phố được hưởng 100% và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố.
Thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh).
Chính phủ cũng đề xuất cho Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương (CCTL) còn dư của ngân sách cấp Thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn CCTL còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách.
Đồng thời, thành phố Hà Nội được sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác (trong nước), cho phép các quận sử dụng ngân sách của cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn của thành phố Hà Nội phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới....
Chính phủ cũng đề nghị quy định nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc Thủ đô phải đảm bảo khả năng trả nợ. Cho phép tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính thành phố để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng.
Nhiều bộ, ngành không chịu trả trụ sở cũ cho Hà Nội
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Đồng ý Nghị quyết sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 9 này (bắt đầu từ ngày 8/6).
 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn
Ủng hộ đề xuất thí điểm thu phí, tuy nhiên Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị không cần quy định mức trần 1,5 lần. Thực tế  thành phố Hồ CHí Minh được tạo cơ chế có thể quyết gấp 6 lần, nếu do đó nếu áp trần thì Hà Nội lại bị “trói” hơn thành phố Hồ Chí Minh.
Các ý kiến khác trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với quan điểm này, đồng thời nhấn mạnh mục đích cho Hà Nội cơ chế này không phải nhằm tăng thu ngân sách, mà để tăng cường quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự, ổn định xã hội. Do đó đề nghị không nên khống chế mức trần 1,5 lần mà giao HĐND quyết định danh mục và mức thu, trừ lệ phí toà án. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, "Hà Nội có thể thu phí gấp 3-4 lần mức chung, nhưng phải hợp lý và nhận được sự đồng thuận của xã hội".
Về việc Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất, nhiều ý kiến trong Thường vụ Quốc hội băn khoăn về thực tế nhiều bộ, ngành sau khi xây trụ sở mới thì không bàn giao trụ sở cũ cho thành phố Hà Nội. Do đó, Chính phủ cần biện pháp xử lý nếu không có giao cơ chế thì Hà Nội cũng chưa chắc thực hiện được chủ trương lớn của Quốc hội.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu thực tế nhiều đơn vị cứ nói cho đất xây trụ sở mới thì sẽ trả trụ sở cũ nhưng cuối cùng chưa ai trả và tình trạng này không ít. Do đó, bây giờ giao cơ chế thì Hà Nội phải làm nghiêm.

Hà Nội đề xuất xây dựng 2 tuyến đường sắt đô thị từ nguồn vốn của thành phố

Báo cáo làm rõ thêm tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, việc tạo cơ chế đặc thù về tài chính sẽ tạo thêm nguồn thu cho TP Hà Nội có nguồn lực để triển khai các dự án lớn trong thời gian tới như làm đường sắt đô thị và xử lý môi trường (sông Đáy, sông Nhuệ). Chủ tịch UBND thành phố cho biết, về nguồn cải cách tiền lương, tới năm 2019 Hà Nội còn khoảng 29.000 tỷ đồng, 2020 cũng gần 40.000 tỷ đồng nên quỹ Dự trữ tài chính cải cách tiền lương của Hà Nội đảm bảo đủ phục vụ cải cách tiền lương năm 2021 - 2025.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng thông tin, hiện nay nếu tính tổng tài sản cổ phần hóa các DN, Hà Nội còn khoảng 25.000 tỷ đồng theo giá trị vốn. Thời gian vừa qua, Hà Nội cổ phần hóa và đã thu được 11.000 tỷ. Số tiền này chưa nộp về quỹ Tài chính của SCIC (nay là UB Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp). Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề xuất cho phép thành phố giữ lại số tiền này để xây dựng đường sắt đô thị các tuyến số 3 từ Ga Hà Nội đi Hoàng Mai (hơn 40 nghìn tỷ đồng); tuyến số 5 từ Văn Cao đi Hòa Lạc dài 37,5km (66 nghìn tỷ đồng). Việc xây dựng các dự án đường sắt đô thị này hoàn toàn lấy từ nguồn vốn của thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố vẫn còn dư địa trần nợ vay. Việc tăng trần nợ vay của TP chỉ nhằm mục đích xử lý môi trường và đầu tư các dự án đường sắt đô thị. Thành phố hoàn toàn có thể đáp ứng nguồn vốn đầu tư cho y tế, giáo dục.

 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung giải trình thêm tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, nhiều năm qua, Hà Nội đã dành từ 300 tỷ đồng đến 400 tỷ đồng/năm để hỗ trợ nhiều tỉnh, thành phố xây dựng trường học, công trình giao thông nông thôn. Hiện nay, thành phố còn 13 quận, huyện chưa đủ nguồn thu, vẫn được các quận có kết dư cân đối thu ngân sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước lại không quyết toán các khoản kinh phí này cho thành phố. “Thành phố đề nghị được tháo gỡ vấn đề này để tăng cường hỗ trợ giữa các địa phương trong TP và hỗ trợ các tỉnh, thành phố khác”- Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói.

 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần