Thường vụ Quốc hội yêu cầu làm rõ tiến độ đầu tư công còn ách tắc

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những hạn chế, tồn tại được Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 trình Thường vụ Quốc hội ngày 15/6, đó là giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách T.Ư 5 tháng đầu năm 2021 còn chậm, đạt 22,12% kế hoạch.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết tháng 5/2021, còn 15,6% vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách T.Ư chưa được các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương phân bổ chi tiết do phải chờ thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách T.Ư 5 tháng đầu năm 2021 còn chậm, đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (25,98%), trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 2,97%. Nguyên nhân một phần là do xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm, một phần còn do tâm lý ngại giải ngân, thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quan lý dự án, nhà thầu; tính chất đặc thù của chi đầu tư đòi hỏi phải có quá trình thực hiện, tích lũy giá trị khối lượng hoàn thành mới thực hiện các thủ tục giải ngân vốn tại kho bạc.
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quochoi.vn
Giải pháp để khắc phục tình trạng trên trong 6 tháng cuối năm được Chính phủ báo cáo tại phiên họp là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ những vướng mắc thể chế đầu tư công, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng…. Người đứng đầu các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA; kiên quyết xử lý cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm; lấy kết quả giải ngân vốn của các đơn vị năm 2021 là tiêu chí để đánh giá xét thi đua và đánh giá hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của người đứng đầu; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về việc chậm giải ngân của một số bộ, ngành và địa phương; tiến độ triển khai xây dựng các dự án giao thông quan trọng; việc bố trí vốn cho giai đoạn đầu của Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
 Quang cảnh phiên họp
Nêu quan điểm về đầu tư công, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chỉ rõ, trong lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, yêu cầu chi tiêu của doanh nghiệp, người dân đều giảm thì Nhà nước phải đóng vai trò đẩy mạnh chi tiêu, đặc biệt là đầu tư công. Nói cách khác, đầu tư công là "bệ đỡ" cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Trong nhiệm kỳ khóa XIV, giải ngân đầu tư công luôn là vấn đề được Quốc hội hết sức quan tâm và có nhiều giải pháp đồng hành với Chính phủ. Quốc hội đã phê duyệt rất nhiều dự án lớn, sửa nhiều quy định pháp luật liên quan, ban hành các nghị quyết tháo gỡ cho dự án, công trình quốc gia. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn như đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, sân bay Long Thành... đến nay vẫn rất chậm.
Do đó, nhất trí với yêu cầu của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị Chính phủ phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, bộ, ngành trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đầu tư công lớn, có sức lan tỏa. Nếu tình trạng giải ngân vốn đầu tư công cứ tiếp tục chậm, các dự án đầu tư lớn, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm ách tắc như vừa qua thì nền kinh tế của không thể tăng trưởng được.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần